Bệnh thành tích đã quá nặng

11/05/2013 03:10 GMT+7

Không chỉ dừng lại ở những kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp mà tâm lý xem trọng điểm số, thành tích đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của hoạt động giáo dục. Nó nằm trong các buổi kiểm tra học kỳ, chuyển cấp và thậm chí ở một kỳ thi được xem là đẹp và sang trọng: thi học sinh giỏi.

Quan tâm, lo lắng và định hướng cho học sinh (HS) chọn hướng vào đời thích hợp là việc nên làm. Thế nhưng từng nơi, từng lúc có những hiện tượng khiến cho dư luận đặt vấn đề nhà trường chủ yếu lo cho thành tích hơn vì các em. Khi nhận ra chỉ có khoảng 30% HS lớp 10 làm bài kiểm tra học kỳ 2 môn toán trên điểm trung bình, lãnh đạo Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM) đã vội vã thay đổi thang điểm bằng cách giảm mức điểm ở câu hỏi khó, tăng điểm cho câu hỏi dễ để nâng điểm! Làm giáo dục nhưng tại sao lãnh đạo nhà trường không nhận ra rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, chữa cháy chứ không phải biện pháp căn cơ để nâng cao chất lượng thật sự của HS? Điểm có nâng lên nhưng lực học của các em thực chất vẫn không thay đổi. Điều mà phụ huynh, HS và xã hội cần chính là chất lượng thực chứ không phải điểm số ảo. Lẽ ra, ban giám hiệu nhà trường phải ngồi lại với giáo viên tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp để nâng sức học của HS chứ đâu chỉ cốt làm sao có một kết quả đẹp. Vậy nên cũng không quá ngạc nhiên khi mới đây một giáo viên ngậm ngùi kể rằng có một HS nằm ngủ trong giờ kiểm tra học kỳ 2, giám thị lay dậy để làm bài không được, giáo viên chủ nhiệm vào năn nỉ HS cứ làm bài đi, viết là có điểm, HS này cũng không làm. Đến giờ thu bài, nhiều HS trong phòng thi dửng dưng nói với giám thị: “Cô yên tâm đi, rồi cũng lên lớp hết mà!”. Quả là đau lòng cho sự học ngày nay!

Đáng buồn hơn khi “căn bệnh” thành tích giờ lại đường hoàng, chễm chệ tấn công vào kỳ thi HS giỏi, lựa chọn tinh hoa. Trong kỳ thi HS giỏi tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện hơn 50 bài thi có dấu hiệu đánh dấu bài mong đạt điểm cao. Rồi trong số hơn 70 HS thi giỏi toán lớp 9 cấp tỉnh Tây Ninh có tới 14 thí sinh điểm 0, nhiều thí sinh điểm dưới 5. Lý do là có trường “can đảm” cử luôn HS không đoạt giải đi thi dù biết các em yếu kém.

Các trường thường đem tỷ lệ HS tốt nghiệp; trúng tuyển vào ĐH, CĐ, lớp 10; danh hiệu HS giỏi… để chứng tỏ đạt chất lượng. Chính điều này khiến lãnh đạo nhiều trường, giáo viên bằng mọi cách đẩy những thông số về thành tích của trường mình lên cao nhất có thể. Trong những cuộc đua này, suy cho cùng HS là người chịu thiệt.

Dẫu biết áp lực đối với lãnh đạo các trường hết sức nặng nề nhưng trước khi làm lãnh đạo cũng là phụ huynh, thậm chí người học, hay đơn giản là một công dân bình thường, tử tế. Mong sao tinh thần thực học trước hết phải thấm đẫm từ chính những người làm thầy.

Thùy Ngân

>> Thanh tra vụ sửa điểm trong kỳ thi học sinh giỏi
>> Có chữa được bệnh thành tích trong thi cử ?
>> Còn bệnh thành tích thì còn lãng phí
>> Bệnh thành tích

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.