Tiểu đường có thể làm tổn thương mạch máu và khiến cơ tim cứng hơn. Tình trạng này vẫn có thể xảy ra với ngay những người không mắc bệnh tim. Các tổn thương này lâu dài có thể gây bệnh tim mạch, theo trang thông tin sức khỏe Everyday Health (Mỹ).
Ngoài ra, những người mắc bệnh tiểu đường còn mắc một số vấn đề sức khỏe vốn là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim, chẳng hạn như huyết áp cao, tăng cholesterol trong máu, thừa cân, béo phì. Tác động của bệnh tiểu đường lên huyết áp và cholesterol đặc biệt đáng kể. Do đó, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu là những vấn đề thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ xem tiểu đường là một trong số yếu tố nguy cơ chính với bệnh tim mạch. Điều quan trọng là tiểu đường có thể kiểm soát được, nhờ đó cải thiện sức khỏe tim mạch.
Để kiểm soát hiệu quả bệnh và bảo vệ sức khỏe tim, người bệnh cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Những biện pháp này gồm duy trì cân nặng khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên, bỏ hút thuốc, kiểm soát huyết áp, mức cholesterol và đường huyết. Bằng cách áp dụng lối sống lành mạnh và quản lý các yếu tố nguy cơ, người bị tiểu đường có thể giảm rủi ro mắc bệnh tim mạch và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát đường huyết. Người bệnh nên ưu tiên ăn các món có nhiều chất xơ như rau củ, trái cây và các loại đậu. Đồng thời, họ cũng cần tránh các món có nhiều đường và tinh bột như bánh ngọt, kẹo, nước ngọt và các loại đồ uống có đường khác. Những thực phẩm như thịt mỡ, đồ chiên xào cũng cần hạn chế vì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngoài ra, họ cũng cần uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và khám sàng lọc khi cần thiết. Những cách này sẽ giúp kiểm soát hiệu quả bệnh tiểu đường cũng như ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như bệnh võng mạc, bệnh thận đái tháo đường, tổn thương thần kinh và một số biến chứng khác, theo Everyday Health.
Bình luận (0)