Bệnh tiểu đường có gây ra bệnh tim và đột quỵ không?

Thiên Lan
Thiên Lan
23/08/2022 00:06 GMT+7

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, người bệnh tiểu đường có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao hơn gấp đôi.

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim là nguyên nhân tử vong phổ biến nhất.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bênh Mỹ (CDC), tử vong do bệnh tim mạch ở người bệnh tiểu đường cao hơn 70%.

Theo một nghiên cứu năm 2017, khoảng 32% người mắc bệnh tiểu đường bị bệnh tim.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, ít nhất 68% những người mắc bệnh tiểu đường từ 65 tuổi trở lên sẽ chết vì một số dạng bệnh tim.

Những người dưới 65 tuổi mắc bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ cao hơn đáng kể bị đau tim, đột quỵ, bệnh thận.

Người bệnh tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 1,5 lần, theo Healthline.

Người bệnh tiểu đường nếu bị bệnh tim không được điều trị, cũng có thể dẫn đến suy tim.

Người bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn gấp đôi, và đột quỵ cao gấp 1,5 lần

Shutterstock

Tại sao người bệnh tiểu đường dễ bị đau tim và đột quỵ hơn?

Mức đường huyết cao ở những người mắc bệnh tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu và các dây thần kinh điều khiển mạch máu.

Các mô cơ thể thường sử dụng đường như một nguồn năng lượng. Nó được lưu trữ trong gan dưới dạng glycogen.

Ở người bị tiểu đường, đường có thể ở trong máu, từ đó dẫn đến tổn thương các mạch máu và dây thần kinh.

Động mạch vành bị tắc nghẽn có thể làm chậm hoặc ngừng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho tim. Người mắc bệnh tiểu đường càng lâu càng dễ mắc bệnh tim.

Ngoài ra, có một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ ở người bệnh tiểu đường.

Người bệnh tiểu đường hãy ăn uống lành mạnh, vận động và cố gắng hết sức để kiểm soát huyết áp, mức đường huyết và mức cholesterol

Shutterstock

Huyết áp cao

Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến nhất đối với bệnh tim ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nó gây căng thẳng cho tim và làm hỏng các mạch máu. Điều này dễ dẫn đến nhiều biến chứng bao gồm đau tim, đột quỵ, bệnh thận, suy giảm thị lực.

Người bệnh tiểu đường nếu bị huyết áp cao, có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn gấp đôi.

Cách đơn giản nhất để kiểm soát huyết áp là ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Cholesterol cao

Người mắc bệnh tiểu đường thường dễ bị cholesterol và chất béo trung tính cao - có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.

Quá nhiều cholesterol xấu LDL và thiếu cholesterol tốt HDL có thể gây tích tụ mảng bám trong mạch máu. Điều này có thể tạo ra tắc nghẽn và dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ, theo Healthline.

Béo phì

Người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị thừa cân hoặc béo phì. Cả hai đều làm tăng nguy cơ bệnh tim.

Béo phì có ảnh hưởng mạnh mẽ đến huyết áp, đường huyết và mức cholesterol.

Giảm cân có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Ít vận động

Ít vận động có thể làm tăng nghiêm trọng các yếu tố nguy cơ bệnh tim như huyết áp cao và béo phì.

Hút thuốc

Người bệnh tiểu đường nếu hút thuốc, sẽ có nguy cơ phát triển bệnh tim cao hơn nhiều.

Cả khói thuốc lá và bệnh tiểu đường đều tạo ra sự tích tụ mảng bám trong động mạch, khiến chúng bị thu hẹp.

Điều này có thể dẫn đến nhiều biến chứng, từ đau tim, đột quỵ đến các vấn đề về chân. Trong trường hợp nghiêm trọng, các vấn đề về chân thậm chí có thể dẫn đến phải cắt cụt chi, theo Healthline.

Vậy người bệnh tiểu đường nên làm gì để ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ?

Để làm được điều này, Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận của Mỹ khuyến nghị:

Chỉ số đường huyết A1C là chỉ số mức đường huyết trung bình của 3 tháng - phải dưới 7%.

Huyết áp phải dưới 140/90 mm Hg.

Kiểm tra mức cholesterol: Quá nhiều cholesterol xấu LDL có thể gây tắc nghẽn mạch máu. Hãy hỏi bác sĩ nên ở mức nào.

Bỏ thuốc lá sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim cũng như đau tim, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác, theo Healthline.

Hãy ăn uống lành mạnh, vận động và cố gắng hết sức để kiểm soát huyết áp, mức đường huyết và mức cholesterol.

Người bệnh tiểu đường nếu có các triệu chứng bệnh tim như đau hoặc tức ngực, khó thở hoặc mệt mỏi, nên đi khám ngay lập tức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.