Bệnh tiểu đường và Covid-19 có liên quan với nhau không?

26/03/2022 00:07 GMT+7

6 tháng sau khi mắc Covid-19 nhẹ, Nolan Balcitis (12 tuổi, sống tại Crown Point, Ấn Độ) được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 1.

Các báo cáo về những trường hợp mắc bệnh tiểu đường gia tăng trong đại dịch đã khiến giới khoa học tiến hành nghiên cứu mối liên quan giữa Covid-19 và bệnh tiểu đường.

Khi Nolan bắt đầu giảm cân và uống nhiều nước, bà Tabitha và ông Bryan Balcitis (bố, mẹ của Nolan) đã hài lòng vì nghĩ nó tốt cho sức khỏe của cậu ấy. Nhưng sự cáu gắt và mất tập trung của Nolan đã khiến họ lo ngại, kết quả các xét nghiệm cho thấy lượng đường trong máu của Nolan tăng vượt mức bình thường.

Các báo cáo về những trường hợp mắc bệnh tiểu đường gia tăng trong đại dịch đã khiến giới khoa học tiến hành nghiên cứu

shutterstock

Mới đây, có bằng chứng cho thấy virus corona - giống như một số loại virus khác - có thể tấn công các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy.

Một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã xem xét 2 cơ sở dữ liệu bảo hiểm của Mỹ bao gồm các trường hợp mắc bệnh tiểu đường mới từ tháng 3.2020 đến tháng 6.2021. Bệnh tiểu đường trở nên phổ biến hơn ở trẻ em đã mắc Covid-19. Báo cáo không phân biệt tiểu đường loại 1 hay loại 2. Tỷ lệ mắc cả hai loại bệnh tiểu đường đã tăng lên ở trẻ em Mỹ trong những năm gần đây, và các báo cáo từ châu Âu và một số bệnh viện Mỹ cho thấy tốc độ này đã tăng nhanh trong thời kỳ đại dịch.

Tiến sĩ Inas Thomas, chuyên gia tại Bệnh viện Nhi đồng Mott của Đại học Michigan (Mỹ) cho biết bệnh viện này đã ghi nhận ​​sự gia tăng 30% số ca tiểu đường loại 1, so với trước đại dịch.

Bệnh tiểu đường loại 1 xảy ra khi tuyến tụy sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin, một loại hormone điều chỉnh lượng đường trong máu. Đây được cho là có liên quan đến một phản ứng tự miễn dịch, trong đó cơ thể tấn công các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Người bệnh phải sử dụng insulin để kiểm soát tình trạng mạn tính.

Tại Bệnh viện Rady Children’s ở San Diego (Mỹ), các ca bệnh tiểu đường loại 1 đã tăng gần 60% trong năm đầu tiên của đại dịch, so với 12 tháng trước đó, con số này được các nhà nghiên cứu báo cáo trên tạp chí JAMA Pediatrics.

Bệnh tiểu đường loại 2 chủ yếu tác động đến người lớn, khi cơ thể không sử dụng insulin đúng cách hay insulin không thực hiện được chức năng. Nguyên nhân có thể do béo phì, lười vận động và thói quen ăn uống không lành mạnh.

Tiến sĩ Rasa Kazlauskaite, một chuyên gia về bệnh tiểu đường tại Trung tâm Y tế Đại học Rush (Mỹ), cho biết các loại thuốc steroid đôi khi được sử dụng để giảm viêm ở những bệnh nhân nhập viện do Covid-19 có thể làm tăng lượng đường trong máu dẫn đến bệnh tiểu đường. Đôi khi bệnh nhân tự khỏi sau khi ngừng sử dụng steroid, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.

Tiến sĩ Rasa Kazlauskaite cho biết, căng thẳng, mệt mỏi do Covid-19 và các bệnh khác cũng có thể khiến lượng đường trong máu cao và gây ra bệnh tiểu đường tạm thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.