Do đặc trưng công việc ít vận động, dân văn phòng đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe, trong đó trĩ là một trong những bệnh khó chịu nhất.
Ảnh minh họa: Shutterstock |
Dân gian có câu “thập nhân cửu trĩ”, tức cứ 10 người thì có 9 mắc bệnh trĩ. Có thể hơi thậm xưng nhưng câu nói trên cho thấy không phải tới bây giờ mà từ xưa bệnh trĩ đã rất phổ biến.
Theo một thống kê được công bố gần đây, tỷ lệ mắc trĩ ở VN là 35 - 50%. Riêng ở các tỉnh phía bắc, có đến 55% dân số mắc trĩ. Đặc biệt, ở Vĩnh Phúc, cứ 10 người dân thì 8 người bị bệnh, tỷ lệ này quả gần đúng với câu “thập nhân cửu trĩ”! Nghiên cứu còn cho thấy nữ mắc trĩ nhiều hơn nam (chiếm 61%) và tuổi trung bình của bệnh nhân là 45. Nông dân, công chức hành chính, công nhân và học sinh, sinh viên là những đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh cao.
Do đâu bị bệnh ?
Bệnh trĩ là bệnh mạn tính do sự phồng lên của một hay nhiều tĩnh mạch thuộc hệ thống tĩnh mạch trĩ ở vùng trực tràng và hậu môn. Búi trĩ thuộc tĩnh mạch trĩ trên gọi là trĩ nội, còn búi thuộc tĩnh mạch trĩ dưới gọi là trĩ ngoại. Trĩ nội nằm ở dưới trực tràng và phần trên của hậu môn, trĩ ngoại nằm ở hậu môn.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh trĩ. Những người làm việc nặng nhọc, bị bệnh táo bón, tiêu chảy, lỵ thường xuyên, viêm đại tràng mạn tính, có chế độ ăn uống không hợp lý đều dễ mắc bệnh trĩ. Chế độ ăn uống dễ dẫn tới bệnh trĩ là chế độ hấp thu nhiều muối, thức ăn chứa nhiều gia vị cay, nóng; rượu bia, hoặc các món ăn dễ gây táo bón như bánh mì, cơm tấm, bánh ngọt…
Đặc biệt, những người làm các công việc đòi hỏi đứng nhiều, ngồi nhiều cũng hay bị bệnh này. Thạc sĩ, bác sĩ Dương Phước Hưng - Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM - giải thích rằng ngồi lâu ở một vị trí sẽ làm tăng áp lực trong ống hậu môn, từ đó dẫn đến ứ đọng máu trong các đám rối trĩ nên dẫn đến bệnh trĩ. Đây chính là lời giải thích cho hiện tượng ngày càng có nhiều người làm văn phòng bị bệnh trĩ ở độ tuổi còn rất trẻ.
Có nguy hiểm chết người ?
Bác sĩ Dương Phước Hưng cho biết bệnh trĩ có 2 triệu chứng chính là đi cầu ra máu và sa búi trĩ ra ngoài hậu môn. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh này có thể dẫn đến các biến chứng trĩ tắc mạch và trĩ sa nghẹt. Dù không gây tử vong, nhưng bệnh trĩ gây ra cho người bị bệnh nhiều phiền toái và đau đớn, ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt hằng ngày và chất lượng cuộc sống.
Bệnh trĩ rất dễ tái phát do có các yếu tố thuận lợi như táo bón, ngồi lâu, đứng lâu, ăn nhiều chất cay hay uống rượu bia. Việc điều trị thường phải lặp đi lặp lại, chỉ có phẫu thuật mới giúp thời gian tái phát trĩ lâu hơn các phương pháp điều trị khác.
Âm thầm chịu đựng
Bệnh trĩ tấn công hậu môn, là một khu vực rất “thầm kín” trên cơ thể con người. Chính vì vậy mà người bị bệnh đa phần không muốn thổ lộ cùng ai, âm thầm chịu đựng trong một thời gian dài. Đến khi bệnh diễn tiến nghiêm trọng, đau quá chịu không nổi mới đi gặp bác sĩ. Lúc đó thì việc điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn, thường cần phải phẫu thuật cắt búi trĩ và người bệnh phải chịu nhiều đau đớn. Một thống kê mới đây cho biết khoảng 2/3 số bệnh nhân trĩ tại VN không được điều trị. Trong số những bệnh nhân được chữa bệnh, hiệu quả cũng không được như mong đợi.
Do trĩ là bệnh khó nói, người bệnh thường có xu hướng âm thầm chịu đựng, nên tỷ lệ mắc bệnh trên tổng dân số thường rất cao.
Chủ động giảm nguy cơ bị bệnh
Bệnh trĩ thật khó chịu và cũng rất khó nói, nhưng chúng ta có thể chủ động giảm nguy cơ bị bệnh hoặc giảm tiến triển của bệnh tật. Theo bác sĩ Dương Phước Hưng, cần duy trì lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục thường xuyên, sinh hoạt cộng đồng tích cực, tránh các loại thức ăn nhanh, thức ăn nhiều gia vị và thức uống có cồn là những cách dễ nhất để phòng ngừa bệnh trĩ.
Các thức ăn giúp giảm nguy cơ bị bệnh hoặc giảm tiến triển của bệnh gồm có rau quả như cà rốt, măng, súp lơ, cam, quýt, dâu tây; các loại ngũ cốc. Nên ăn nhiều các loại rau có tính nhuận tràng như rau lang, rau mùng tơi, rau đay, rau diếp cá, rau dền… Chuối là loại quả có giá trị nhuận tràng tốt, sau mỗi bữa ăn nên dùng một quả chuối hoặc dưa hấu. Các loại thức ăn nhuận tràng tốt khác gồm khoai lang, mật ong... Người bị bệnh trĩ cũng cần bổ sung ma giê, vitamin, sắt và uống đủ nước.
Bên cạnh ăn uống thì một chế độ thể dục thể thao phù hợp cũng giúp ích trong việc phòng ngừa bệnh trĩ.
Đừng đợi chờ !
Cuộc sống bận rộn khiến đôi lúc bạn đi tiêu tiểu không đúng giờ, nhiều lúc nín nhịn. Nếu lặp lại thường xuyên, chuyện này sẽ gây hại cho cơ thể. Nín đại tiện sẽ dễ gây táo bón, gây áp lực lớn cho trực tràng, từ đó dễ mắc bệnh trĩ.
Bạn cũng cần từ bỏ các thói quen xấu như ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu, vừa đi cầu vừa đọc báo hoặc dùng lực quá sức… bởi những điều này dễ dẫn đến căn bệnh khó nói.
Tóm lại, để phòng ngừa bệnh trĩ, cần duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, thức ngủ, đại tiện đúng giờ. Khi lỡ nghi ngờ mình bị bệnh, nên tới ngay bác sĩ, chớ mắc cỡ chần chừ mà bệnh thêm nặng.
Bình luận (0)