Bệnh viện dã chiến số 8 TP.HCM: Khi bác sĩ cũng là F0

Duy Tính
Duy Tính
21/08/2021 14:48 GMT+7

Bệnh viện dã chiến số 8 tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) do Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM phụ trách, đã tập trung cứu chữa nhiều bệnh nhân Covid-19 và khoảng 10.000 bệnh nhân Covid -19 xuất viện.

Ngày 21.8, Bệnh viện dã chiến số 8 (TP.Thủ Đức) cho biết sau 38 ngày hoạt động, Bệnh viện dã chiến số 8 do Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Thống Nhất phụ trách, đã hoàn tất thủ tục xuất viện cho bệnh nhân thứ 10.000 (tổng số bệnh nhân Covid-19 đã xuất viện trên TP.HCM là 83.000 người). Đây là bệnh viện có tỷ lệ bệnh nhân xuất viện cao trong hệ thống Bệnh viện dã chiến. 

TP.HCM đề xuất Quân khu 7 hỗ trợ 6.000 quân nhân, bác sĩ chống Covid-19

Mỗi ngày, 700 người chăm sóc 4.000 người

Hiện Bệnh viện dã chiến số 8 đang chăm sóc cho gần 4.000 ca F0, lượng nhập viện và xuất viện mỗi ngày trung bình 400 người, có ngày số người bệnh được về nhà lên đến hơn 700 người. Trong đó, có cả những đối tượng có nguy cơ cao khi mắc Covid-19, như người bệnh lớn tuổi, béo phì hoặc có bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp. Bệnh viện Bình Dân là nơi phẫu thuật tiết niệu và tổng quát, do đó lượng F0 tại Bệnh viện dã chiến số 8 đang có hoặc đã có các vấn đề về tiết niệu và tổng quát cũng tập trung điều trị nơi đây do các giáo sư, bác sĩ đầu ngành hội chẩn, chỉ định.

Nhiều bệnh nhân ngoài mắc Covid-19 còn có bệnh nền khác khiến tình trạng nặng hơn nhưng đã được cứu chữa kịp thời tại Bệnh viện dã chiến số 8

ẢNH: NHUNG TRẦN

PGS.TS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 8, cho biết mục tiêu của Bệnh viện dã chiến số 8 là giúp người bệnh “hồi phục nhanh, xuất viện sớm”. Do đó, điều đặc biệt là tại Bệnh viện dã chiến số 8 có rất nhiều người bệnh chỉ sau 1 tuần điều trị tại đây đã khỏe mạnh trở về với gia đình. Đây là sự nỗ lực của hơn 700 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế và các bộ phận hỗ trợ ngày đêm đồng hành với người bệnh vượt qua Covid-19.

Vừa là các sĩ, vừa là bệnh nhân

Theo lãnh đạo Bệnh viện Dã chiến 8, trong số 10.000 người bệnh, có những F0 chính là bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Thống Nhất và cả những người đã phục vụ nơi tuyến đầu chống dịch.

Bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 8 đang thăm khám bệnh nhân

ẢNH: NHUNG TRẦN

Điển hình là bác sĩ D.T.H (khoa Ung bướu, Bệnh viện Bình Dân) là một trong những bác sĩ tình nguyện tham gia chống dịch từ những ngày đầu. Khi nhiễm bệnh Covid-19, bác sĩ H. vừa là bệnh nhân vừa là bác sĩ tại chỗ hướng dẫn những người bệnh qua trực tuyến. Bác sĩ H. còn chủ động phối hợp với các đồng đội đến ngay những phòng bệnh khác khi được báo có người bệnh bị khó thở, trở nặng.
Khi kết quả RT-PCR với SARS-CoV-2 âm tính, bác sĩ H. viết đơn xin tình nguyện ở lại tham gia phòng chống dịch. Ngoài bác sĩ H., nhiều nhân viên y tế cũng xin tình nguyện “hết dịch mới về nhà” bám trụ cùng đồng đội tại Bệnh viện dã chiến số 8.
PGS.TS Trần Vĩnh Hưng cho biết thêm, Bệnh viện dã chiến số 8 (tầng 2), chuyển từ chức năng thu dung sang tập trung chuyên sâu vào điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng từ trung bình tới nặng. Hàng trăm nhân sự tại Bệnh viện dã chiến số 8, trong đó có các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên dày dạn kinh nghiệm trong cấp cứu, hồi tỉnh, hồi sức, nội khoa để gấp rút thiết lập và vận hành khu Hồi sức cấp cứu điều trị cho nhiều trường hợp Covid-19 diễn tiến nặng. Khu điều trị đặc biệt này với hơn 200 giường, cùng ệ thống ô xy cao áp, các máy trợ thở ô xy dòng cao, máy thở chức năng cao là mặt trận khốc liệt nhất, nơi nhân viên y tế khẩn trương từng giây phút đấu tranh giành sự sống cho từng người bệnh. Tại đây, nhiều bệnh nhân béo phì, lớn tuổi, bệnh nền phức tạp, người bệnh có bệnh lý tiết niệu và tổng quát đã vượt lằn ranh sinh tử để trở về nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.