Bệnh viện nhân ái: Động lực chiến thắng bệnh tật

07/05/2023 06:32 GMT+7

Dù mới ra mắt từ dịp Tết Nguyên đán 2023 nhưng chương trình túi gạo an sinh của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã giúp nhiều bệnh nhân nghèo có thêm niềm vui và động lực để chiến thắng bệnh tật.

Túi gạo an sinh là chương trình do ông Nguyễn Anh Cường, Phó trưởng phòng Công tác xã hội (CTXH), Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh, đề xuất. Trải qua 3 tháng hoạt động, với lòng yêu thương, sẻ chia từ nhân viên BV và sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, túi gạo an sinh trở thành điểm sáng trong công tác hỗ trợ bệnh nhân (BN) đang thăm khám, điều trị tại BV này.

TÚI GẠO AN SINH

Trước cửa Phòng CTXH (BV Lê Văn Thịnh) có một chiếc tủ sắt, bên trong là nhiều túi gạo được sắp xếp gọn gàng. Đó chính là túi gạo an sinh, để mỗi lần có BN thăm khám hoặc điều trị tại BV có hoàn cảnh khó khăn, sẽ được hỗ trợ một túi gạo thơm ngon 5 kg.

BN Nguyễn Thị Phụng (67 tuổi, ngụ Phú Yên) là một trong những trường hợp được bác sĩ (BS) đề xuất tặng túi gạo an sinh. Khi nhận gạo, bà không giấu nổi niềm vui, nói lời cảm ơn nhà hảo tâm và BV. Bà Phụng đang chăm cháu ngoại tại BV, mỗi ngày bà phải đi làm giúp việc kiếm thêm tiền điều trị bệnh cho cháu.

Ông Cường cho biết nguồn gạo dành cho chương trình túi gạo an sinh được Phòng CTXH vận động từ các nhà hảo tâm, đặc biệt là các nhà hảo tâm trên địa bàn TP.Thủ Đức. Việc tổ chức các hoạt động thiết thực ngay tại BV cũng là một cách để vận động các nhà hảo tâm chung tay, giúp BN nghèo giảm bớt khó khăn.

Bệnh viện nhân ái: Động lực chiến thắng bệnh tật - Ảnh 1.

Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm chuẩn bị nguyên liệu cho bữa cơm trưa

PHAN THU HOÀI

Để có những túi gạo này, vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ông Cường đề xuất với BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, hỗ trợ 600 suất gạo cho BN và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.Thủ Đức. Hiệu ứng chương trình vượt ngoài mong đợi khi có nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ từ 0,5 - 1 tấn gạo mang đến tận nơi ủng hộ.

Sau dịp phát quà, thấy tinh thần BN vui vẻ và các nhà hảo tâm liên lạc nhiều hơn để hỗ trợ gạo, ông Cường tận dụng cơ hội này đề xuất đưa chương trình phát gạo trở thành việc làm hằng ngày, thường xuyên của BV.

"Không có bất cứ một tiêu chuẩn nào khi xét duyệt tặng gạo. Chỉ cần BN khó khăn tìm đến, hoặc BS và nhân viên y tế đề xuất tặng gạo cho hoàn cảnh đó, Phòng CTXH sẵn sàng hỗ trợ. Những phần quà nhỏ mà chúng tôi trao tận tay BN, những câu hỏi thăm và đặc biệt là khi tiễn BN ra về, luôn thấy tâm trạng họ vui vẻ. Làm việc này, chúng tôi cũng hạnh phúc", ông Cường chia sẻ.

Cũng theo ông Cường, BN đến BV thường có tâm trạng không tốt, trong khi BS và nhân viên thì luôn bận rộn, thời gian thăm hỏi không có nhiều. Nếu đến khám chữa bệnh mà có nhân viên và BS động viên, trao món quà nhỏ mang về thì chắc chắn tâm lý họ vui và tích cực hơn. Túi gạo an sinh vừa mang giá trị vật chất, vừa là món quà tinh thần của BV dành cho BN, đặc biệt là BN nghèo.

"NHÀ ĂN HẠNH PHÚC"

Gần trưa, ông Cường dẫn chúng tôi đến một cổng màu xanh, có tên "nhà ăn hạnh phúc". Lúc này, một chiếc xe cứu thương mang biển "bếp ăn Nhất Tâm" vừa đến, đỗ gần nhà ăn. Khoảng 8 - 9 cô bác, anh chị đi xuống, trên tay là rau, củ, quả… Mọi người đều khẩn trương chuẩn bị nguyên liệu để nấu ăn cho BN. Mỗi ngày bếp ăn nấu từ 300 - 350 suất cơm chay, trong đó BV vận động nguồn gạo, còn nhóm thiện nguyện Nhất Tâm từ 3 - 4 giờ sáng đã ra chợ đầu mối vận động tiểu thương ủng hộ rau, củ, quả.

Bệnh viện nhân ái: Động lực chiến thắng bệnh tật - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Anh Cường tận tay trao gạo cho bà Phụng, bên tủ gạo an sinh của Bệnh viện Lê Văn Thịnh

PHAN THU HOÀI

Gần 11 giờ, tình nguyện viên nhóm Nhất Tâm bắt đầu sắp xếp bàn ghế, dọn dẹp lối đi để chuẩn bị phát cơm. Khoảng 11 giờ 15, dòng người đổ về nhà ăn khá đông, ai nấy đều xếp hàng ngay ngắn, trật tự. Ở khu vực bếp, các cô chú tình nguyện viên, người xới cơm, múc canh, người chuẩn bị rau, củ... Cả một hàng dài mấy trăm người lần lượt nhận suất cơm, ngồi ăn uống vui vẻ. Người đến ăn cơm không loại trừ bất cứ ai, kể cả nhân viên BV và những người có hoàn cảnh khó khăn, không phải là BN của BV.

Chúng tôi bắt gặp bà Phương cùng mẹ đến "nhà ăn hạnh phúc" từ sớm. Bà Phương năm nay 57 tuổi, cùng mẹ già bán vé số và nhặt ve chai khu vực xung quanh BV. Hôm nào không có tiền mua cơm, hai mẹ con sẽ vào nhà ăn BV ăn cơm miễn phí.

"Nhà ăn nấu cơm chay ngon lắm cô, BV còn cho vào ăn miễn phí, không nhất thiết phải là người đang điều trị ở đây. Mẹ con tôi mừng lắm. Không phải ngày nào mình cũng vào, nhưng nhiều lúc ế vé số, không có tiền, được vào đây ăn, chúng tôi biết ơn nhiều lắm", bà Phương nói. Còn bà Đào Thị Hòa (45 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức), điều trị ở BV nhiều năm, chia sẻ bắt đầu từ lúc BV có nhà ăn, bản thân bà đã giảm bớt được chi phí cơm nước, tập trung tiền điều trị lâu dài.

Cô Hòa, tình nguyện viên của bếp ăn, vừa xới cơm vừa chia sẻ: "Bà con đến ăn cơm, ăn xong họ cảm ơn hoặc phát tâm rửa giúp mình cái bát, đôi đũa, ai cũng vui vẻ và ấm lòng".

NHÂN VIÊN BỆNH VIỆN CŨNG HẠNH PHÚC

"Ngày 19.5.2021, BV Lê Văn Thịnh chính thức đưa vào sử dụng "nhà ăn hạnh phúc". Thời điểm đó, đây là nhà ăn 0 đồng đầu tiên tại BV tuyến quận/huyện trên địa bàn TP.HCM. Để có được bếp ăn như ngày hôm nay, Phòng CTXH cùng lãnh đạo BV đã trải qua quãng thời gian khó khăn khi tìm kiếm mặt bằng, đầu bếp, kinh phí…", ông Cường kể.

Trước khi BV Lê Văn Thịnh mở được nhà ăn 0 đồng, ông Cường nói ông biết đến nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đang mở một số nhà ăn miễn phí cho BN, nên mời nhóm về để đặt vấn đề mở nhà ăn cho BV. Vì khuôn viên BV không lớn nên lãnh đạo BV đồng ý tận dụng một khoảng đất của vườn thuốc nam, ngay gần cổng ra vào để mở bếp ăn.

"Nhà ăn hạnh phúc" hoạt động với tiêu chí bảo đảm bữa ăn ngon, sạch, thanh đạm, đầy đủ và chất lượng hơn theo từng ngày. Nhà ăn là bước ngoặt và cũng là mô hình mà BV Lê Văn Thịnh nói chung, nhân viên Phòng CTXH nói riêng đều cảm thấy hạnh phúc khi có được", ông Cường chia sẻ.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, cho biết thêm BV còn luôn chăm lo cho nhóm BN 3 không: "không người thân, không thẻ bảo hiểm y tế, không có tiền".

"Có những BN vô gia cư, BV điều trị xong, họ không về. BV phải liên hệ với các cơ quan chức năng liên quan, các trại dưỡng lão đưa vào và rồi hỗ trợ tiếp cho họ. Có những hoàn cảnh khó khăn lắm nên phải chia sẻ, hỗ trợ. Mỗi năm số tiền cho các BN thuộc diện này cũng trên cả tỉ đồng", BS Khanh nói. (còn tiếp) 

BV Lê Văn Thịnh (trước đây là BV Q.2) là BV hạng 1 trực thuộc Sở Y tế TP.HCM. BV Lê Văn Thịnh được xây dựng vào năm 2008 với quy mô ban đầu chỉ 60 giường bệnh, thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.

Sau 10 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của ngành y tế, BV đã có sự "lột xác" nhanh chóng, toàn diện về quy mô, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và chất lượng khám chữa bệnh. Nhiều kỹ thuật y khoa phức tạp đã được thực hiện ngay tại BV giúp người dân tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh và giảm tải áp lực cho các BV tuyến trên.

Hiện mỗi ngày trung bình BV Lê Văn Thịnh tiếp nhận khám ngoại trú gần 2.500 BN, điều trị nội trú cho hơn 350 BN, cấp cứu 100 - 150 ca. Trong đó, tỷ lệ chuyển viện đã giảm rất lớn, chỉ còn dưới 2%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.