Bệnh viện nhân ái: Giờ vàng trong điều trị

Duy Tính
Duy Tính
08/05/2023 08:00 GMT+7

Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM) là bệnh viện tuyến quận hạng 1 đầu tiên của cả nước. Bệnh viện này được biết đến với các hoạt động phiên chợ 0 đồng đầu tiên, quỹ giờ vàng cho bệnh nhân, câu lạc bộ bệnh nhân ung thư gắn kết nhiều năm.

Vừa phẫu thuật vừa xin tiền cứu người bệnh

Chiều 14.4, ông Phan Văn N. (62 tuổi, tạm trú tại TP.Thủ Đức) đang ăn hủ tiếu thì trở mệt, khó thở, ngồi không vững. Ông được người nhà gọi xe đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) TP.Thủ Đức.

Ông N. hành nghề chạy xe ôm và bán vé số mưu sinh, "ngày nào xào ngày đó". Gia cảnh ông khó khăn, phải ở trọ, các con của ông cũng không khá hơn. Ngày ông nhập viện, trong nhà không có tiền. Ông được chẩn đoán nhồi máu cơ tim, có nguy cơ ngưng tim, cần số tiền khá lớn để can thiệp mạch vành. Chị Phan Thị H., con gái ông N., đi "vay nóng" cũng chỉ được 10 triệu đồng để tạm ứng viện phí 5 triệu đồng, số còn lại mua đồ để chăm sóc cha.

"Bác sĩ nói giờ chỉ có cách can thiệp mạch vành mới hy vọng qua cơn nguy kịch. Kinh phí tầm 70 triệu đồng, BV có giảm viện phí thì ít nhất cũng phải cần 40 triệu đồng. Cha tôi lại không có bảo hiểm y tế (BHYT). Lúc đó, tôi khóc nói với bác sĩ là cứu giúp cha, khi nào chạy được tiền tôi đưa vào trả sau", chị H. kể.

Bệnh viện nhân ái: Giờ vàng trong điều trị - Ảnh 1.

Bác sĩ Lê Duy Lạc thực hiện phẫu thuật thông tim can thiệp cho bệnh nhân N.

BSCC

Trường hợp ông N., BV TP.Thủ Đức không chỉ đưa ra hội chẩn chuyên môn mà còn bàn cách kiếm tiền để chữa trị. Bác sĩ Lê Duy Lạc, Trưởng khoa Hồi sức tim mạch, cũng là trưởng kíp thông tim cho ông N., kể: "Trong cuộc giao ban, các bác sĩ báo bệnh nhân (BN) cả đêm nằm không được, ngực đau như đá đè. Anh em hỏi tôi, anh ơi làm được không, em xin gia đình góp được 8 triệu đồng. Một bác sĩ khác nói cố gắng làm sẽ góp 3 triệu đồng. Bây giờ cần ít nhất 30 triệu nữa. Vậy là quyết định nhanh chóng được đưa ra: cứ làm, tính sau, cùng lắm anh em trong khoa gom góp tiếp".

Ông N. được phẫu thuật cấp cứu nong tim đặt stent thành công. "Ngày xuất viện, tiền viện phí sau khi BV miễn giảm thì gia đình phải đóng 48 triệu đồng. Nhưng Phòng Công tác xã hội (CTXH) và các y bác sĩ xin được tiền, trao cho gia đình để đóng hết số tiền đó. Đặc biệt, sau khi đóng viện phí thì số tiền còn dư đến 11 triệu đồng, nếu trừ ra 5 triệu đồng ứng viện phí thì còn 6 triệu đồng", chị H. kể thêm.

"Cha tôi nhập viện, bệnh nặng mà viện phí 0 đồng, lại còn được dư 6 triệu đồng để mua BHYT, mua thuốc. Trước chỉ nghe nói vào BV được cho tiền đóng viện phí chứ chưa biết thế nào, giờ chính gia đình tôi được nhận, cứ như trong mơ", chị H. xúc động.

Bệnh viện nhân ái: Giờ vàng trong điều trị - Ảnh 2.

Bệnh nhân tham gia phiên chợ 0 đồng tại Bệnh viện TP.Thủ Đức

MỸ CHÂU

Đậm sâu tình người

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên, nhân viên Phòng CTXH BV TP.Thủ Đức, nhớ lại câu chuyện chị trực tiếp hỗ trợ BN. Đó là ngày 18.2.2023, BN Nguyễn Trần T. nhập viện vì bệnh viêm phổi nặng, biến chứng tràn mủ màng phổi... Với tình trạng bệnh nặng, để cứu được mạng sống, BN phải chuyển sang khoa Hồi sức tích cực chống độc để điều trị. Nhưng nằm ở khoa đó thì số tiền viện phí là không nhỏ.

Chị Liên kể: "Cha mẹ BN đứng ngoài lo lắng, thấp thỏm không yên. Người cha nói giờ con cái là trên hết, viện phí bao nhiêu cũng vay mượn để lo. Thấy ông hoàn cảnh nghèo khó, bác sĩ hỏi nếu ông vay sẽ trả cho người ta bằng cách nào, ông chỉ thở dài và lặng thinh, mắt rưng rưng...".

Bác sĩ BV TP.Thủ Đức tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa, tìm ra phương pháp tốt nhất chữa trị cho BN T. Sau một tuần BN được chuyển về chuyên khoa điều trị. "Tôi luôn theo dõi tiến trình bệnh của BN T. mỗi ngày. Cứ đúng 9 giờ sáng, sau khi giao ban khoa, tôi lại gọi hỏi thăm bác sĩ điều trị về tình trạng BN hôm đó. Nghe trả lời ổn hơn là lại có thêm hy vọng", chị Liên tâm sự.

Bệnh viện nhân ái: Giờ vàng trong điều trị - Ảnh 3.

Bệnh viện nhân ái: Giờ vàng trong điều trị - Ảnh 4.

Bệnh viện nhân ái: Giờ vàng trong điều trị - Ảnh 5.

Phiên chợ 0 đồng tại Bệnh viện TP.Thủ Đức

MỸ CHÂU

Sau 1 tháng điều trị, BN T. được xuất viện trong niềm vui của cả gia đình và nhân viên, y - bác sĩ BV. "Tôi lên chúc mừng và chia sẻ thêm nhiều chuyện nhằm xóa bớt sự lo lắng cho BN và người nhà. Ngày BN xuất viện, gia đình BN chỉ tạm ứng được 30 triệu đồng viện phí, số còn lại BV miễn phí. Ngoài ra, BV còn kêu gọi hỗ trợ cho BN được 15 triệu đồng để lo thuốc men sau này", chị Liên kể.

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng phòng CTXH BV TP.Thủ Đức, cho biết BV có quỹ "giờ vàng trong điều trị" ra đời từ năm 2021, nhằm hỗ trợ các ca cấp cứu cần can thiệp khẩn cấp mà không có người thân hoặc có hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng chi trả viện phí.

Việc cứu chữa kịp thời cho người bệnh trong khung giờ vàng sẽ quyết định chất lượng điều trị và chất lượng cuộc sống sau này của BN. Bởi đây là giai đoạn cần can thiệp kịp thời, không thể trì hoãn, giúp BN vượt qua tình trạng nguy kịch, tăng khả năng hồi phục, giảm thiểu di chứng. "Giờ vàng trong điều trị" đã hỗ trợ kịp thời cho rất nhiều BN qua cơn nguy kịch, với tổng chi phí hơn 400 triệu đồng.

"Có rất nhiều ca bệnh nặng lại không có tiền mà BV TP.Thủ Đức và tập thể y bác sĩ BV đã kêu gọi giúp đỡ. Mỗi hoàn cảnh thương tâm là một câu chuyện đậm sâu tình người", bà Châu tâm sự. (còn tiếp) 

Y tế gần dân

BV TP.Thủ Đức là BV hạng 1 trực thuộc Sở Y tế TP.HCM. BV đã và đang dần khẳng định năng lực khám chữa bệnh đúng với tầm vóc của BV cửa ngõ tuyến thành phố, phục vụ khám chữa bệnh cho người dân địa bàn TP.Thủ Đức và các tỉnh lân cận.

Ở BV này, các kỹ thuật cao như tim mạch, ngoại thần kinh… đã được phát triển từ rất sớm. BV triển khai đầy đủ các chuyên khoa kỹ thuật cao theo phân tuyến, thực hiện khám chữa bệnh trung bình từ 5.000 - 6.000 BN ngoại trú/ngày, khoảng 200 trường hợp cấp cứu/ngày. BV tổ chức hệ thống mạng lưới phòng khám trực thuộc phục vụ BN với mô hình "y tế gần dân".

Nhiều chương trình nhân ái

Ở BV TP.Thủ Đức có nhiều chương trình nhân ái. Điển hình là phiên chợ 0 đồng được tổ chức lần đầu vào ngày 4.2.2018. Sau đó, hằng năm BV tổ chức 2 lần phiên chợ này (giáp tết Nguyên đán và tháng 6) để chăm lo cho BN có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại BV. Chương trình được tổ chức theo hình thức phiên chợ quê, với khoảng 30 gian hàng, bày bán các mặt hàng với giá 0 đồng. BN tham gia sẽ được tặng phiếu mua hàng, mỗi phiếu tương ứng với 1 phần hàng hóa tại các gian hàng. Mỗi BN được phát từ 9 - 15 phiếu, tùy quy mô của mỗi lần tổ chức. Tổng số phần quà trao tặng dao động từ 3.000 - 4.000 phần, trị giá từ 60.000 - 90.000 đồng/phần. Đến nay BV đã tổ chức được 7 phiên chợ 0 đồng.

Chương trình "Nồi cháo yêu thương" được tổ chức từ năm 2017. Sau hơn 5 năm hoạt động, chương trình đã triển khai được hơn 200 nồi cháo yêu thương, tương đương hơn 50.000 suất cháo được trao đến tận tay BN.

Chương trình "Bàn tay nhân ái" cũng đã có 15 năm hoạt động, hỗ trợ cho hơn 2.000 lượt BN với số tiền viện phí trên 4 tỉ đồng.

Cùng với đó là các chương trình mổ mắt và mổ tim miễn phí, trao tặng xe lăn, "bữa trưa hạnh phúc", tặng thẻ bảo hiểm y tế, "góp tiền lẻ - chia sẻ yêu thương"…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.