Bệnh viện Quân y 175 hướng tới cấp cứu đường thủy, đường không

Lê Cầm
Lê Cầm
22/09/2023 19:11 GMT+7

Bên cạnh cấp cứu đường bộ, đường không, Bệnh viện Quân y 175 cũng đặt mục tiêu phát triển cấp cứu đường thủy giúp rút ngắn thời gian đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Trên là thông tin được PGS-TS-Thầy thuốc Nhân dân (TTND) Nguyễn Hồng Sơn, Phó chủ tịch Hội đồng chuyên môn miền Nam, Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, chia sẻ bên lề "Hội nghị khoa học hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân năm 2023" diễn ra tại Bệnh viện Quân y 175 sáng 22.9.

Rút ngắn thời gian, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, với tình hình giao thông tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, hệ thống cấp cứu đường bộ vẫn có những hạn chế nhất định, nhất là trong những khung giờ cao điểm. Trong khi đó, hệ thống đường thủy rất thuận lợi để phát triển cấp cứu bằng ca nô.

“Theo ước tính, nếu di chuyển bằng xe cấp cứu từ cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đến Bệnh viện Quân y 175 chỉ mất khoảng 7 phút. Do đó nếu chúng ta xây dựng các trạm cấp cứu vệ tinh, khi ca nô đưa bệnh nhân đến trạm Bình Lợi sẽ chuyển lên xe cấp cứu đến bệnh viện khá nhanh, rút ngắn thời gian di chuyển, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân”, PGS Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

TP.HCM: BV Quân Y 175 hướng tới cấp cứu đường thuỷ, đường hàng không - Ảnh 1.

PGS-TS-TTND Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị

LÊ CẦM

Mục tiêu hình thành trung tâm cấp cứu đa năng

Bên cạnh cấp cứu đường thủy là mục tiêu hướng tới thì hiện nay Bệnh viện Quân y 175 cũng đang chú trọng phát triển hệ thống cấp cứu đường không.

Cấp cứu bằng đường không là sử dụng các phương tiện như máy bay hoặc trực thăng để vận chuyển bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, từ hiện trường tai nạn hoặc từ các bệnh viện tuyến đầu đến các bệnh viện tuyến cuối để được can thiệp điều trị.

"Đây là loại hình dịch vụ khá phổ biến ở các nước phát triển bởi có ưu thế là nhanh chóng, khẩn trương, khắc phục tốt nhất trở ngại về địa hình, tranh thủ được thời gian vàng trong điều trị, đã được đánh giá hiệu quả qua nhiều công trình nghiên cứu", PGS Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, cấp cứu đường không được chú ý đến và có những bước phát triển đầu tiên trong phục vụ vận chuyển trong ghép tạng, cứu hộ, cứu nạn. Nổi bật là chủ trương cấp cứu vận chuyển người bị thương, bị bệnh trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc về đất liền điều trị.

TP.HCM: BV Quân Y 175 hướng tới cấp cứu đường thuỷ, đường hàng không - Ảnh 2.

Cấp cứu bằng trực thăng đưa bệnh nhân vào đất liền

TRẦN CHÍNH

Theo PGS Nguyễn Hồng Sơn, để một chuyến cấp cứu đường không an toàn có nhiều yếu tố tác động, thứ nhất là nhân viên y tế phải được đào tạo cơ bản về cấp cứu đường không. Vì điều kiện làm việc không giống như các hình thức cấp cứu khác. Nhân viên y tế phải làm việc trong môi trường trên không, không gian chật hẹp, nhiều yếu tố ảnh hưởng như nhiệt độ, thay đổi độ ẩm, tăng tốc và giảm tốc, tiếng ồn, rung lắc…, ảnh hưởng xấu đến khả năng đánh giá bệnh nhân, khả năng giao tiếp hay thậm chí can thiệp thủ thuật trong chuyến bay.

Theo thống kê, các bệnh mà tổ cấp cứu hàng không Bệnh viện Quân y 175 từng vận chuyển chiếm cao nhất là chấn thương sọ não (35,1%), tiếp theo là đột quỵ não (19%), đứng thứ 3 là hội chứng giảm áp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.