Bệnh viện thiếu thuốc, vật tư vì... sợ mua sắm

12/06/2022 06:20 GMT+7

Sau nhiều vụ lùm xùm trong ngành y tế, việc đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế có nơi bị khựng lại. Điều này gây ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh.

Bệnh viện hết thuốc, bệnh nhân phải ra ngoài mua

Liên quan đến tình hình cung ứng thuốc, sau dịch Covid-19, nhiều bệnh viện (BV) hết hàng do chưa mua sắm kịp thời, bệnh nhân (BN) phải mua thuốc bên ngoài...

Cần đảm bảo cung cấp đủ thuốc cho người bệnh

DUY TÍNH

Người nhà một nam BN đái tháo đường ở Hà Nội cho biết đã khám bảo hiểm y tế (BHYT) tại Bệnh viện (BV) E. Lần khám cuối tháng 5 được bác sĩ (BS) kê đơn nhưng chỉ được cấp 1/3 loại thuốc được kê, 2 thuốc còn lại được hướng dẫn tự mua do BV đã hết. Người nhà BN này phản ánh: “BS giải thích trong kho không còn thuốc nên phải tự mua. Khoảng 2 - 3 tháng gần đây nhà tôi đã phải tự mua rồi, dù người nhà tôi phải sống chung với thuốc và cần BHYT”.

Người nhà một nữ BN ung thư vú (quê Thanh Hóa) phản ánh, tại BV K (thuộc Bộ Y tế), người này được chỉ định truyền hóa chất 3 đợt, đợt 1 đã truyền hồi tháng 4. Theo phác đồ, tháng 6 này sẽ tiếp tục truyền, nhưng khi đến lịch hẹn thì BV hết thuốc và không biết bao giờ sẽ có. “Gia đình lo lắng vì việc điều trị gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị nên dự kiến xin chuyển sang BV Ung bướu Hà Nội”, người nhà BN cho hay.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 11.6, một lãnh đạo của BV E cho hay “đó là tình hình chung, BV đang cố gắng tối đa, chỉ thiếu một số mặt hàng, sẽ sớm được khắc phục”. Một đại diện BV tuyến T.Ư cho hay có thiếu một số thuốc điều trị, tuy nhiên các BV tự kết nối, có thể điều chuyển để đảm bảo thuốc điều trị.

Hai tháng trước, bà N.T.C ở TP.HCM phản ánh với Thanh Niên hết thuốc hóa trị ung thư vú điều trị tại BV Chợ Rẫy và đến hiện tại bà cho biết BV vẫn chưa có thuốc lại. Bà phải ra ngoài mua thuốc để đưa vào truyền. Theo bà C., nếu BV có thuốc thì mỗi đợt hóa trị, truyền thêm bạch cầu, bà tốn chưa tới 2 triệu đồng; còn 2 đợt hóa trị vừa qua bà tốn đến 5 triệu đồng. Nay bà chuyển sang xạ trị. Còn bà V.H cũng đang hóa trị ung thư vú tại BV này cho biết 2 tháng nay BS ra toa, bà xuống nhà thuốc mua để truyền. Có lần bà mua thuốc hơn 2 triệu đồng, có lần thì mua 1,1 triệu đồng. “Mong sao mau có thuốc để BN ung thư đỡ khổ”, bà V.H chia sẻ.

Một BN khác cũng phản ánh BV Chợ Rẫy hết thuốc hóa trị ung thư dạ dày nên phải ra ngoài mua thuốc. Đại diện BV cho hay đây là tình trạng chung của cả nước. Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12.2021 cho gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc đến 31.12.2022. Tuy nhiên, đến tháng 4.2022 thì Chính phủ ban hành Nghị định 29 với nội dung yêu cầu Bộ Y tế ban hành danh mục gia hạn này (khoảng 12.000 số đăng ký), nhưng đến nay mới gia hạn được hơn một nửa. Nếu BV mở thầu trước thời điểm giấy phép lưu hành được gia hạn thì xem như rớt thầu. Riêng BV Chợ Rẫy đã mở thầu từ tháng 4.2022, nhưng có một số mặt hàng thuốc đã hết hạn số đăng ký nên không chấm thầu để mua sắm được. Trong 1.000 mặt hàng cần mua sắm nhưng bị vài mặt hàng như vậy nên cũng bị vướng hết, không mua được gì. Do đó, các cơ quan chức năng cần tháo gỡ, xem xét cho phép BV áp dụng chấm thầu theo các số visa hết hạn trước tháng 6 (đối với các số được Bộ Y tế gia hạn từ tháng 6) để có thuốc sử dụng cho BN theo Nghị quyết 12.

Lo lắng, hoang mang

Trước thực trạng trên, hôm 9.6, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã đối thoại với các trưởng phòng vật tư y tế (VTYT), trang thiết bị y tế (TTBYT) của các BV để chia sẻ, nắm bắt tâm tư.

Tại buổi đối thoại, trưởng phòng TTBYT của một BV đa khoa cho biết, ông đã có 15 năm công tác, chủ yếu làm đấu thầu. Thông tư 14 của Bộ Y tế năm 2020 quy định một số nội dung trong đấu thầu TTBYT tại cơ sở y tế công lập và Nghị định 98 năm 2021 của Chính phủ về quản lý TTBYT là quá mới. Các thông tin chưa cập nhật kịp thời, do đó khi đấu thầu phải kiểm tra rất kỹ, phải mời công ty thẩm định giá. Nhưng có công ty thẩm định giá sợ đến mức không dám báo giá. Điều đó gây trở ngại cho công tác đấu thầu.

“Trước đây đấu thầu ít áp lực, hiện khó khăn lập dự toán, lập kế hoạch, chấm thầu. Cảm giác rất nặng nề trong thời điểm nhạy cảm như thế này. Chúng tôi cố gắng làm tốt, làm đúng; khi hết sức mà không chịu nổi nữa thì tìm đường khác”, Trưởng phòng TTBYT một BV đa khoa khác nói.

Trưởng phòng TTBYT của một BV chuyên khoa thì cho biết ông cũng rất lo lắng khi xây dựng cấu hình TTBYT, cố gắng sửa cấu hình chung chung mà tất cả công ty có thể tham gia đấu thầu, sau đó chỉ xem chất lượng và tiêu chuẩn nước sản xuất có đạt chất lượng. Nhưng nếu xây dựng cấu hình chung chung thì trúng máy không tốt, mà xây dựng cấu hình tốt thì sợ bị “kết tội” chỉ định thầu. Mặt khác, TTBYT quá nhiều, nếu chọn giá thấp nhất thì nước sản xuất không đạt tiêu chuẩn.

Dược sĩ một BV sản khoa cho biết: “Mục tiêu là mua được sản phẩm tốt, đáp ứng kỹ thuật chuyên môn, giá cạnh tranh nhất. Nhưng rất sợ thanh tra, kiểm toán “quay” về giá... Hiện chúng tôi đang vướng đấu thầu 600 mặt hàng mà không ra được giá dự toán. BV đòi giá kê khai thì doanh nghiệp (DN) nói chờ hãng thống nhất. Nhưng giá kê khai thì DN cập nhật, thay đổi liên tục. Trong cùng 1 sản phẩm có 2 DN kê khai nên không biết là chọn giá nào, dựa vào cơ sở nào. Sau này chúng tôi không còn tin tưởng thẩm định giá vì công ty nào cũng bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, riết giờ không còn công ty nào thẩm định giá”, nữ dược sĩ chia sẻ.

Trưởng phòng TTBYT của BV khác nói thêm: “Tôi lo lắng và hoang mang khi xây dựng danh mục VTYT, TTBYT. Quy định về đấu thầu, nếu xây dựng cấu hình không khéo thì rơi vào chỉ định thầu, còn xây dựng cấu hình chung chung thì sẽ không mua được sản phẩm như mong muốn”.

Các bệnh viện kiến nghị gì?

Theo các trưởng phòng VTYT, TTBYT của các BV tại TP.HCM, các BV mong muốn đồng hành cùng Sở Y tế để cùng nhau có kế hoạch, quy trình dự toán chung cho cả TP để các BV dựa vào đó làm. Còn để các đơn vị tự làm thì... sợ lắm. Sở Y tế cần giúp các BV thực hiện phê duyệt kế hoạch thầu như phê duyệt kế hoạch thuốc… Kiến nghị Sở Y tế nghiên cứu thành lập Trung tâm mua sắm tập trung, tạo nên sự mua sắm thống nhất để đỡ cho các BV.

Theo bà Đinh Thị Liễu, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế TP.HCM, có thể các BV làm chưa chuyên sâu, chuyên nghiệp nên khi lấy giá dự toán thì khó. Do đó, hội đồng khoa học kỹ thuật của các BV phải làm thật chuyên sâu, chuyên nghiệp.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cần nâng tính chuyên nghiệp của hội đồng thẩm định ở BV, mời những chuyên gia ở các chuyên ngành khác nhau cùng tham gia, cả về chuyên gia pháp lý. Nên có câu lạc bộ, hội nhóm định kỳ thường xuyên chia sẻ lẫn nhau.

Thông tin từ Trung tâm Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia cho biết, nguyên nhân thiếu thuốc là do nhiều thuốc bị hết hạn chậm được thẩm định cấp phép lại, không thể tham gia đấu thầu cung ứng cho điều trị.

Còn Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho hay, liên tục trong các tuần gần đây cục này đã ban hành danh mục 300 thuốc nước ngoài được gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành tại VN. Trước đó, Bộ Y tế ước tính đến tháng 4 năm nay có gần 13.000 hồ sơ đăng ký thuốc sắp hết hạn hoặc sát thời điểm cần được xét cấp lại giấy đăng ký lưu hành. Thống kê sơ bộ cho thấy, tổng số giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hiệu lực từ ngày 20.11.2021 - 31.12.2022 là 12.896 giấy đăng ký. Đây là các thuốc cần cập nhật hồ sơ để được cấp lại số đăng ký.

Các BV hiện còn vướng về sửa chữa máy móc với chi phí sửa trên 100 triệu đồng. Theo quy định, sửa chữa trên 100 triệu đồng phải trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Nhưng nếu chờ duyệt thì rất lâu, mà máy không sửa được thì không có để phục vụ BN. “BV tôi đang có những máy ngưng vì phải bảo dưỡng trên 100 triệu đồng. Muốn sửa phải đấu thầu, thẩm định giá. Lúc này BN phải chờ hoặc chuyển bệnh đi nơi khác”, Trưởng phòng TTBYT một BV chuyên khoa tại TP.HCM cho biết.

Duy Tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.