Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca ghép tim, gan đầu tiên tại Việt Nam

Liên Châu
Liên Châu
09/10/2024 19:33 GMT+7

Hơn 8 ngày sau ca ghép tim, gan trong tình trạng cơ hội sống chỉ tính bằng ngày, nam bệnh nhân 41 tuổi đang bình phục. Đây là bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được ghép đồng thời tim và gan, do Bệnh viện hữu nghị Việt Đức thực hiện.

Ghép đa tạng tim, gan

Chiều nay 9.10, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã thông tin về thực hiện ca ghép tim, gan cho người bệnh suy đa tạng. 

Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca ghép tim, gan đầu tiên tại Việt Nam- Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Đức thực hiện ca ghép tim, gan cho nam bệnh nhân 41 tuổi bị suy đa tạng

ẢNH: BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC

Bệnh nhân là Đ.V.H (41 tuổi), đang điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, phát hiện bệnh cơ tim giãn từ lâu, chức năng tim suy giảm kèm theo gan, thận và các tạng khác cùng suy giảm. Người bệnh nhập viện trong tình trạng suy tim.

Ngày 30.9, người bệnh suy tim mất bù, không đáp ứng phương pháp điều trị thông thường. Đặc biệt, bệnh nhân suy gan phát triển cấp tính. 

Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân H. rối loạn đông máu nghiêm trọng, sự sống được tính theo ngày, phải duy trì bằng máy tim phổi nhân tạo thay chức năng tim, lọc gan thay chức năng gan. Khi sinh thiết gan cho thấy 50% gan đã không còn khả năng bình phục. Cách duy nhất có thể cứu sống người bệnh là thay thế đồng thời tim và gan.

Cũng tại thời điểm 30.9, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức nhận được thông tin từ Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An có một bệnh nhân chấn thương sọ não nặng và không còn hy vọng sống. Gia đình bệnh nhân có nguyện vọng hiến tạng của người thân.

Trưa 1.10, các bác sĩ xác định bệnh nhân chết não và các tạng của bệnh nhân có thể sử dụng để ghép cho những người bệnh khác.

Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca ghép tim, gan đầu tiên tại Việt Nam- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chúc mừng các bác sĩ thực hiện ca ghép tim, gan đầu tiên tại Việt Nam

ẢNH: THẢO MY

Các bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Đức đã tăng cường cho Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An và đưa tạng tim, gan từ người hiến về Bệnh viện hữu nghị Việt Đức.

Sau 3 giờ 30 phút di chuyển, tạng hiến đã được đưa về Bệnh viện hữu nghị Việt Đức và ghép vào cơ thể người bệnh Đ.V.H. Sau 8 giờ phẫu thuật, trái tim ghép đã đập trở lại.

Sau ghép, bệnh nhân được chuyển về hồi sức và chăm sóc đặc biệt. Sau 36 giờ , các chức năng gan, tim đã hồi phục dần. Đặc biệt trái tim mới đã thay thế hoàn toàn cho trái tim hỏng, các chức năng gan tốt dần lên. Bệnh nhân được rút nội khí quản và tỉnh táo.

Hiện, bệnh nhân đã có thể nói chuyện, tiếp xúc và ăn uống trở lại, chức năng tim tốt lên hàng ngày, chức năng gan đang trở về bình thường, mật được tiết ra với chất lượng tốt.

Chỉ một tia hy vọng cũng quyết cứu người bệnh

TS-BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, bày tỏ: "Đây thực sự là một ca phẫu thuật cần cân nhắc các tình huống do tình trạng bệnh nhân cả gan, tim, thận đều suy ở giai đoạn rất nặng, nguy cơ tử vong cao nếu không được ghép. Ca ghép hết sức khó khăn về chuyên môn, do bệnh nhân đã suy đa tạng. Tuy nhiên, hội đồng khoa học bệnh viện quyết định vẫn tiến hành ghép, để mang lại hy vọng sống cho người bệnh". 

Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca ghép tim, gan đầu tiên tại Việt Nam- Ảnh 3.

Tim và gan từ người hiến chết não được chuyển từ Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An để ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức

ẢNH: THẢO MY

Giáo sư Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, chuyên gia ghép tạng, chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam, các bác sĩ tiến hành thành công ca ghép tim, gan đồng thời trên một bệnh nhân, đặc biệt ca ghép thực hiện khi bệnh nhân ở giai đoạn nặng. Trình độ y bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Đức có thể làm chủ hoàn toàn các kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng".

Giáo sư Quyết đánh giá, đến thời điểm này, ca ghép tim gan kể trên được đánh giá thành công, tiên lượng bệnh nhân sống thêm.

Được biết, các năm qua, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức đã thực hiện 4 ca ghép đa tạng khác, gồm 2 ca ghép gan, thận và 2 ca ghép tim, thận. Ca ghép gan từ người chết não đầu tiên tại Việt Nam do Bệnh viện hữu nghị Việt đức thực hiện từ năm 2007 hiện vẫn sống khỏe mạnh sau 17 năm. Về tỷ lệ sống thêm sau ghép tạng, các chuyên gia cho hay, khoảng 75% bệnh nhân sống thêm 5 - 10 năm.

Trưa nay 9.10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đến thăm bệnh nhân được ghép tim, gan và chúc mừng các bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Đức.

TS-BS Dương Đức Hùng chia sẻ, thành công của ca ghép thể hiện sự phối hợp của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức với vai trò là bệnh viện tuyến cuối đối với các bệnh viện vệ tinh trong chuyển giao kỹ thuật, phối hợp các công tác tổ chức giúp cho các bệnh viện dưới phát triển về lấy và ghép tạng, công tác tổ chức để lấy được tạng ghép. 

 Trước đó, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức đã giúp các bệnh viện tuyến dưới về việc hồi sức tạng, lấy tạng, hỗ trợ ghép tại chỗ, đó là Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.