Đảng viên giữa đời thường: Bếp cơm nghĩa tình

09/10/2019 05:56 GMT+7

Tám năm qua, cứ vào 4 giờ sáng các ngày thứ ba, năm, bảy, trụ sở Ban điều hành KP.5, P.Bình Trưng Đông (Q.2, TP.HCM) lại sáng đèn.

Đây là lúc những người bà, người mẹ bắt đầu tụ họp “thổi lửa” bếp cơm nghĩa tình.

Từ suất cháo đến bữa cơm…

Năm 2011, có 7 cán bộ nữ hưu trí ở khu phố (KP), trong đó có các đảng viên Hồ Thị Tuyết Hồng, Nguyễn Thị Thành, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Thuận… và bà Võ Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội LHPN P.Bình Trưng Đông (nay là Chủ tịch MTTQ P.Bình Trưng Đông), nung nấu ý định tổ chức bữa ăn giúp đỡ thêm những trẻ nhỏ mồ côi, người già neo đơn ở địa phương. Nghĩ là làm, “Bếp cơm yêu thương” được hình thành với nồi cháo đầu tiên. Không có kinh phí, mỗi người chia nhau góp 200.000 - 300.000 đồng để nấu nồi cháo thịt với 150 suất.
Từ đó, suốt 2 năm sau, vào thứ bảy mỗi tuần, các cô lại nấu cháo đem phát cho những hộ nghèo, người già neo đơn, gia đình mất sức lao động trong KP và bệnh nhân tại Bệnh viện Q.2. Dần dần, nhiều người tham gia, thêm nhiều kinh phí, bếp cơm hằng tháng lại thêm được 2 bữa cơm chay.
Cô Nguyễn Thị Thành chia sẻ: “Khi lập ra bếp ăn chúng tôi cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ hy vọng giúp được những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Nhưng vì là bếp các chị em tự góp sức, không có đoàn thể nào đứng sau, nên trong nhóm người bỏ công, người bỏ của, cái bếp, cái nồi rồi thành bếp ăn”.
Bền bỉ hoạt động bằng nguồn kinh phí tự thân, đến năm 2013 bếp cơm nhận được sự quan tâm hỗ trợ của UBND P.Bình Trưng Đông, được đưa về hoạt động dưới mô hình của Hội LHPN phường. Với cái tên mới là “Bếp cơm nghĩa tình”, bếp cơm của những người bà, người mẹ từ đó có thêm thịt, cá. Hầu hết “đầu bếp” đều là phụ nữ lớn tuổi trong KP, có người đã gần 80 tuổi, nhưng hằng tuần vẫn đến bếp, cùng chị em vo gạo, thổi cơm…

...Và bếp cơm “xanh”

Đến tháng 6.2019, hưởng ứng chương trình “Không rác thải” của UBND TP.HCM, bếp cơm triển khai mô hình phát hộp đựng thức ăn cho bà con đến nhận thức ăn, thay vì dùng bao ni lông để mang về, với phương châm “giảm được chừng nào lượng rác thải ra môi trường hay chừng ấy”. Bà Cúc, một người đến nhận cơm, chia sẻ: “Nhà tôi nhận 8 suất cơm nên từ khi có hộp đựng thức ăn, việc nhận cơm tiện hơn nhiều. Đồ ăn được đựng gọn gàng hơn, bảo quản được lâu hơn mà không tốn nhiều hộp xốp và bịch ni lông như trước nữa”.
Hiện mỗi suất ăn phục vụ đầy đủ cơm, canh, cá, thịt. Cơm sẽ được phát theo hai diện chính: nằm trong danh sách thống kê của phường và khách vãng lai. Trong danh sách của phường chia làm hai loại: miễn phí (cho hộ neo đơn, mất khả năng lao động, thương binh, gia đình chính sách) và bán tượng trưng 2.000 đồng cho gia đình khó khăn. Khách vãng lai cũng được bán theo giá của các hộ khó khăn; nếu không mang hộp đựng thì ăn tại chỗ, tự rửa khay sau khi ăn. Mỗi ngày ngoài 270 - 280 phần cơm cho các trường hợp cần giúp đỡ trên địa bàn, bếp ăn cũng dành 20 - 30 suất cho “khách vãng lai”.
Bà Trần Thị Thanh Thủy, Phó ban Quản trị kiêm thủ quỹ bếp ăn, cho biết: “Những ngày đầu khách vãng lai chưa biết đến mô hình thì còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng khi quen rồi thì chủ động đem hộp đựng đến mua cơm”. Bà Thủy chia sẻ thêm, mô hình nhận cơm bằng hộp đựng thức ăn chỉ tốn khoản chi phí mua hộp, túi vải ban đầu. Mỗi năm, mô hình này sẽ tiết kiệm cho bếp cơm 35 triệu đồng tiền hộp xốp, bao ni lông. Số tiền này sẽ được dùng để nâng cao chất lượng suất ăn tại bếp.
“Bếp cơm nghĩa tình” từng được nhiều cơ quan, đơn vị biểu dương. Điển hình là bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM về thành tích xuất sắc trong tham gia thực hiện phong trào “3 tiết kiệm, 3 tương trợ” liên tục nhiều năm.
Bà Nguyễn Thị Khánh Dư, Chủ tịch Hội LHPN P.Bình Trưng Đông, chia sẻ: “Bếp ăn duy trì được đến ngày hôm nay là nhờ vào sự tâm huyết, tinh thần tự phục vụ của các cô. Các cấp chính quyền hỗ trợ kêu gọi nhà hảo tâm, nhưng chính các cô là những người tổ chức, sắp xếp các hoạt động của bếp ăn. Những cô lập bếp từ ngày đầu đều gắn bó với bếp đến tận bây giờ với tấm lòng nhiệt huyết, trong sáng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.