Bí ẩn 'bệnh lạ' vùng biên

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
29/05/2019 10:15 GMT+7

Tôi rời vùng cao Lâm Thủy đã nhiều ngày, vẫn chưa thôi day dứt về 2 chữ “bệnh lạ”. .

Bất ngờ đổ bệnh với những triệu chứng giống nhau, nếu không chữa kịp thời sẽ tử vong..., người dân ở miền núi Lâm Thủy, H.Lệ Thủy (Quảng Bình) nghi ngờ họ bị kẻ xấu hãm hại. Ngay cả một số cán bộ cũng không khỏi lo lắng trước “bệnh lạ”.
Mùi, Vân, Bông, Hồng, Do… là những cái tên mới trong danh sách những “con bệnh” ở miền sơn cước dưới chân dãy Trường Sơn. Từ một vùng đất lành nay bỗng hóa dữ, vì sao?

Bí ẩn của núi rừng?

Nhiều cán bộ, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy và người dân địa phương vẫn chưa hết bàng hoàng khi hay tin bệnh tình của cô Hoàng Thị Thúy Vân, giáo viên cắm bản Bạch Đàn. Ngày 5.3, cô Vân được dân bản đưa ra trạm y tế xã trong tình trạng nguy kịch. Y bác sĩ kiểm tra, thấy triệu chứng bệnh rất lạ: huyết áp, mạch, tim đều bình thường nhưng tay chân co quắp lại, thở không được, đau đầu và nôn. Trước đó, cô hoàn toàn khỏe mạnh… Người dân địa phương nghi ngờ Vân bị dính “thuốc” nên nhờ anh Hậu - một người biết xem bệnh ở gần trạm y tế - lên kiểm tra. Lúc đó, bệnh đã trở nặng, anh Hậu không chữa được mà chỉ cho uống thuốc cầm cự. Dân bản lại khuyên cán bộ y tế trạm không được cho Vân dùng thuốc tây, nếu dùng sẽ… vô phương cứu chữa.
Minh Lửa, một thầy giải thuốc độc được cho là “cao tay ấn” trong vùng, được mời đến. Cách chữa của ông có vẻ “huyền bí”. Một tay cầm đèn nến tự chế, một tay cầm ly rượu, miệng lẩm bẩm, hớp ngụm rượu, đưa đèn nến sát lại để ngậm ngọn lửa rồi phun rượu lên tay chân, đầu, mặt, cổ bệnh nhân. Chỗ nào không phun được thì ông xoa. Sau đó ông cho cô giáo uống thuốc tự chế. Nhiều người bảo, ấy thế mà Vân... hết bệnh (!).
Thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy, nhớ lại lúc đó rất đông người tập trung đến. “Cả trường dáo dác luôn. Bản thân tôi chưa bao giờ thấy bệnh và chữa bệnh như thế”, thầy giáo Tình nói. Nhưng đó không phải là trường hợp hy hữu ở vùng đất này…
Bí ẩn 'bệnh lạ' vùng biên1
Bộ đồ nghề chữa “bệnh lạ”của ông Minh Lửa
Cuối tháng 3, Hồ Thị Mùi đi ăn cưới đứa cháu bà con ở bản Eo Bù - Chút Mút về đến nhà khoảng 1 giờ thì đổ bệnh. Mùi là con dâu của ông Hoàng Kim, Bí thư Đảng ủy xã. “Nó đang ngồi chơi, bỗng nhiên ngã rớt xuống nền kêu cái bịch”, Bí thư Kim kể. Hoàng Ky, chồng của Mùi, cũng nhiều lần “dính” bệnh, thân thể gầy ốm. Nhà Bí thư Kim quá quen với dòng bệnh này bởi con đầu của ông làm giáo viên cũng vài lần vấp phải.
May mắn cho họ khi thân sinh của ông Kim, cụ Hoàng Bảo, biết chữa “bệnh lạ”. Cụ Bảo nguyên là Chủ tịch xã Ngân - Lâm thời chưa chia tách. Ở tuổi 79, trông cụ vẫn cường tráng, tinh anh. Lúc còn làm việc ngoài xã, cụ từng 2 lần dính thuốc. Sau này, các cháu nội (con của ông Kim) đều do chính tay cụ Bảo chữa bằng thuốc cây rừng do đời trước truyền lại.

Cần “giải mã” sớm

Bí ẩn 'bệnh lạ' vùng biên2
Một góc bản ở Lâm Thủy ẢNH: T.Q.N
Ở Lâm Thủy, ông Minh Lửa được ví như “thần y” giải độc. Các ca khó đều phải nhờ đến bàn tay ma thuật của ông. Người bệnh ở xã khác cũng tìm đến. Tôi phải lần thứ ba đến nhà mới gặp được, vì ông đi chữa bệnh tại bản khác. “Mình giúp anh em nhiều năm rồi, khi phát hiện mình giúp đỡ hết. Kinh nghiệm của mình biết có 2 loại “thuốc” dễ chữa”, ông nói.
Chữa được “bệnh lạ” đã bí ẩn một, tìm ra nguyên nhân dính bệnh còn bí ẩn mười. Và vì thế, nhiều người dân cứ nơm nớp. “Mà hễ bị “thuốc” thì đau từ đầu đến chân”, Bí thư Kim nói. Thuốc gây “bệnh lạ” gieo rắc nỗi lo sợ cho nhiều người dân bản. Giỏi như ông Minh Lửa cũng đôi lúc cũng đành thúc thủ.
Nhưng đó chưa hẳn là nỗi lo lớn ở Lâm Thủy bây giờ. Ngồi trong nhà sàn của đứa cháu nội từng nhiều lần bị “bệnh lạ”, cụ Hoàng Bảo nhìn xa về cuối bản, ánh mắt đượm buồn. Hàng chục năm lăn lộn khắp nơi và một thời kỳ dài làm cán bộ hướng dẫn, tuyên truyền cho bà con, vậy mà đến nay nhiều hủ tục vẫn chưa được ngăn chặn.
Tại sao khó truy tìm nguồn gốc phát sinh “bệnh lạ”? Đặt câu hỏi này với nhiều người, chúng tôi đều nhận được đáp án giống nhau: người dân chỉ lo “né”, vì không có bằng chứng và sợ kẻ xấu (nếu có) trả thù. Đấy cũng là mối lo của cán bộ dưới xuôi lên công tác. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng trạm y tế xã Lâm Thủy, thổ lộ: “Tâm lý chúng tôi khá nặng nề, các giáo viên đi điều tra phổ cập cũng rất ngại. Tôi đã gặp lãnh đạo xã đề nghị xem có biện pháp thế nào, chứ anh em ở xa đến công tác mà cứ nặng nề thế này…”.
Tôi rời vùng cao Lâm Thủy đã nhiều ngày, vẫn chưa thôi day dứt về 2 chữ “bệnh lạ”. Ai sẽ giúp sớm giải mã những bí ẩn đang bao trùm này?
Xác minh “bệnh lạ”
Bí ẩn 'bệnh lạ' vùng biên3
Ông Hoàng Bảo (bên phải) chia sẻ với PV Thanh Niên về “bệnh lạ”
Trả lời PV Thanh Niên, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND H.Lệ Thủy, cho biết: “Cách đây hơn 1 tháng, tôi có nghe thông tin và đã giao cho công an xác minh”. Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, cho biết sẽ chỉ đạo Trung tâm Y tế H.Lệ Thủy chủ động nắm bắt tình hình. “Đây là vấn đề xã hội, khi có nhiễm độc hoặc có vấn đề sức khỏe thì ngành y tế sẽ giải quyết. Việc này cần cả chính quyền, mặt trận, đoàn thể, biên phòng, văn hóa, y tế, thông tin truyền thông… nữa”, ông Cường nói.
Trong khi đó, ông Lê Văn Bảo, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, cho biết “từ trước tới giờ tôi chưa nghe báo cáo về việc này”. Sau khi có thông tin xác minh ban đầu của công an, ông Bảo tái khẳng định các trường hợp nghi dính “bệnh lạ” (con của Bí thư Đảng ủy xã Lâm Thủy và 1 giáo viên) là chưa có cơ sở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.