Bí ẩn Đền Trần Thương: Lễ phát lương - Di sản phi vật thể độc đáo

09/12/2020 06:46 GMT+7

Dù các nhà khoa học chưa xác định, nhưng “hèm” của làng thì vẫn có niềm tin mãnh liệt, hầm ngầm huyền bí này chính là nơi dẫn đến bí ẩn về chốn an nghỉ nhục thân Đức Thánh Trần.

Những năm gần đây, hầm đã được khép lại để thực sự giữ được sự tinh tuyền huyền bí, tránh sự tò mò của hậu thế.
Dù thế nào, thì đó cũng vẫn chỉ là những nhận định và giả thuyết, nhưng việc đặt mộ một người nam dưới hình dáng của một phụ nữ là một điều cực kỳ thú vị và càng làm tăng độ khả tín của các nhận định, tiến sĩ Ngô Vương Anh chia sẻ.

Kết nối quá khứ và tương lai

Nếu như tổng thể di sản vật thể của Trần Thương từ kiến trúc, phong thủy đến các cổ vật còn thấy hôm nay mang những giá trị nghệ thuật cao thì lễ hội phát lương dịp Tết Thượng Nguyên là một lễ hội phi vật thể độc đáo của đền Trần Thương.
Theo ông Mai Thành Chung, Phó bí thư Huyện ủy Lý Nhân (Hà Nam), nếu như ngôi đền dựa vào thế đất cao như núi hướng ra minh đường với đường nối là trục đường tâm linh được mở ra như là câu chuyện nhắc nhở ta dựa vào quá khứ để hướng tới tương lai.
Hằng năm, dịp Tết Thượng Nguyên, đền Trần Thương mở hội phát lương. Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ, do 7 cô gái thanh tân mặc áo dài đỏ, đội khăn đỏ, đội 7 mâm đựng những túi lương nhỏ, 9 trai tân mặc quần áo màu đỏ, đầu đội nón lá đỏ, thắt lưng khăn vàng, ống chân quấn xà cạp viền xanh để khiêng kiệu. Trên kiệu đặt các túi lương lớn.
Đoàn rước hằng năm được hộ tống bởi đội sư tử, trống, chiêng, cờ hội và đội tế nam nữ.
Đội lễ là 7 cô gái và 9 chàng trai sẽ châm đuốc và dâng hương, mang lương thảo vào hậu cung làm mật lễ.
Bí ẩn Đền Trần Thương: Lễ phát lương - Di sản phi vật thể độc đáo1

Các thiếu nữ chuẩn bị túi lương

ẢNH: NHẬT ANH

Sau phần lễ là thủ tục phát lương cho mọi người. Trong mỗi túi lương được nhà đền phát hằng năm có 5 loại hạt là đậu đỏ, đậu xanh, đậu nành, ngô đỏ và gạo nếp của vùng quê này. Những loại hạt này chính là hạt giống mang về gieo trồng cho mùa vụ sau.
Theo ông Chung, lễ hội và Đức Thánh Trần nhắc chúng ta biết trân quý quá khứ nhưng phải biết hướng tới tương lai. Tôn kính các anh hùng đã chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc cũng là lúc phải nghĩ về nhân dân, nghĩ về những người dân đóng góp cả công khai và âm thầm và thông điệp của lễ hội không chỉ là mong muốn có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn là thông điệp của tiền nhân nhắc nhở chúng ta, hãy biết lo cho dân.
Mỗi năm, Trần Thương có hai mùa lễ hội. Lễ Tháng 8 (âm lịch) là lễ giỗ của Đức Thánh Trần được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 hằng năm. Lễ tưởng nhớ quá khứ. Và lễ hội phát lương nhằm giờ Tý đêm 14 rạng 15 tháng giêng hằng năm là lễ về dân, lễ về ngày mai.
Dẫn chúng tôi đi quanh khu đền và những cánh đồng rau màu tốt tươi, ngoài ông Mai Thành Chung, còn có một người con họ Trần là ông Trần Đức Thuấn, Bí thư Huyện ủy Lý Nhân. Ông Thuấn nói: “Trần Thương dư phúc địa, trà thảo tứ thời xuân”, có nghĩa là đất Trần Thương nhiều phúc, hoa trái bốn mùa tốt tươi.
“Độc đáo của lễ hội đền Trần Thương là diễn xướng lại lễ rước nước và bơi trải, nhắc nhở về tài thủy chiến, vốn là điểm mạnh của quan quân nhà Trần nói riêng và của dân Đại Việt nói chung”, ông Thuấn tự hào với tư cách là một người con họ Trần.
Từ hàng trăm năm nay, đền Trần Thương đã nhận được nhiều sắc phong của nhiều đời vua. Năm 1989, đền Trần Thương được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Vào năm 2015, đền Trần Thương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.