Bí ẩn quanh vệ tinh Trung Quốc

13/09/2013 11:00 GMT+7

Các chuyên gia đang đặt nghi vấn về hoạt động đáng ngờ của 3 vệ tinh mới do Trung Quốc phóng lên không gian.

>> Quân đội Mỹ thuê vệ tinh Trung Quốc để truyền tải thông tin
>> Vệ tinh Trung Quốc đâm vào mặt trăng

Trung Quốc phóng 3 vệ tinh tại sân bay vũ trụ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây hồi tháng 7 - d
Trung Quốc phóng 3 vệ tinh tại sân bay vũ trụ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây hồi tháng 7
- Ảnh: Redacción
 

Giới chuyên gia về an ninh không gian trên thế giới đang đặc biệt quan tâm bộ ba “lính mới” vừa được Trung Quốc bổ sung vào nhóm vệ tinh của nước này trên không gian gần trái đất.

 

Tờ The Japan Times dẫn lời chuyên gia Matthew Durnin, thuộc Viện An ninh thế giới có trụ sở tại Bắc Kinh, cho hay Trung Quốc từ năm 1999 đến nay đã phóng hơn 30 vệ tinh có thể dùng để do thám.

Về phía Mỹ, ông Durnin ước tính Washington có từ 12 - 15 vệ tinh do thám trên quỹ đạo. Theo Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung thuộc quốc hội Mỹ, công nghệ của Trung Quốc chưa thể sánh với Mỹ hay các bên đã đi trước như EU và Nhật Bản, nhưng với xu hướng hiện nay giới quan sát cho rằng nếu xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra thì không gian quanh trái đất có thể biến thành một chiến trường mới.

Cụ thể, những vệ tinh đang lọt vào tầm ngắm bao gồm Thập Yển-7, Sang Tân-3 và Thạch Giám-15, tất cả đều được phóng lên quỹ đạo hồi cuối tháng 7.

Theo Đài NBC News, các nhà phân tích lưu ý đến những chuyển động khó hiểu của Thập Yển-7. Sau khi vừa hoàn tất một loạt điều chỉnh quỹ đạo, Thập Yển-7 bất ngờ áp sát Sang Tân-3 rồi đổi hướng tiến thẳng về phía vệ tinh Thạch Giám-7 do Trung Quốc phóng vào năm 2005, bà Marcia Smith - nhà sáng lập kiêm biên tập của trang SpacePolicyOnline.com - cho biết.

Ngay sau đợt phóng vào tháng 7, có tin một trong 3 vệ tinh trên mang theo “một cánh tay máy có thể thao tác để bắt lấy các vệ tinh khác”.

Khi đó, các chuyên gia an ninh không thể xác định vệ tinh nào được trang bị cỗ máy này nhưng đến nay thì nhiều người khẳng định đó chính là Thập Yển-7. Khi cả ba vệ tinh xuất phát, giới truyền thông Trung Quốc không nêu rõ ràng mà chỉ đoán rằng chúng có thể đảm nhận sứ mệnh “theo dõi rác vũ trụ”, hoặc “thử nghiệm hoạt động của tay cơ khí”.

Từ những thông tin trên cùng chuyển động khó hiểu của Thập Yển-7, chuyên gia Dean Cheng của Quỹ Heritage (Mỹ) cảnh báo rằng có thể Trung Quốc muốn thử nghiệm biện pháp dùng vệ tinh hoặc trạm không gian gắn tay máy tiếp cận một vệ tinh khác với các mục tiêu từ bình thường (như tiếp nhiên liệu và sửa chữa) đến gây hại (bắt giữ, phá hủy vệ tinh). “Trung Quốc chưa bao giờ thông báo rõ ràng về các hoạt động không gian của họ nhưng hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng nước này đặc biệt chú ý đến việc quân sự hóa không gian”, chuyên trang Space.com dẫn lời ông Cheng nói, “Trung Quốc và Mỹ hầu như vẫn chưa có cơ chế tham vấn, đối thoại về không gian và sẽ rất võ đoán nếu cho rằng việc đưa vệ tinh tiếp cận chỉ nhằm mục đích hòa bình”.

Đài NBC News dẫn lời giới quan sát cho rằng vệ tinh gắn tay máy có thể nằm trong chương trình tăng cường khả năng chống vệ tinh (ASAT), vốn cho phép một quốc gia phá hủy một vệ tinh không còn hoạt động. Theo AFP, Trung Quốc từng tiến hành một vụ thử nghiệm ASAT vào năm 2007 khi phóng tên lửa phá hủy vệ tinh Phong Vân 1-C. Cuộc thử nghiệm diễn ra thành công nhưng tạo ra một đám mây gồm hơn 3.000 mảnh rác vệ tinh trong phần quỹ đạo trái đất có mật độ dày đặc vệ tinh và rác không gian. Khi đó, Mỹ đã bày tỏ lo ngại và cũng từ sự kiện này, cộng đồng thế giới đã thông qua Bộ quy tắc ứng xử để đảm bảo việc sử dụng không gian chung một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, không chỉ Trung Quốc mà hiện Mỹ cũng đang bí mật triển khai các cuộc thử nghiệm điều khiển vệ tinh tiếp cận một vệ tinh khác trong không gian, Space.com dẫn lời Michael Krepon, nhà đồng sáng lập Trung tâm Stimson chuyên về an ninh không gian. Ông Krepon nhận xét rằng cả hai nước đều không ngần ngại thể hiện năng lực ASAT và điều này gợi nhớ về cuộc đua giữa Mỹ và Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh. Và sự đối đầu về lĩnh vực không gian sẽ đóng vai trò quan trọng, có thể đẩy lệch cán cân an ninh quốc phòng trong tương lai giữa các bên. “Các nước có thể tăng cường quân sự hóa không gian, xô đẩy nhau vào một cuộc đối đầu gây tổn hại vệ tinh của nhau hoặc có thể thỏa thuận để bảo đảm bình yên cho quỹ đạo gần trái đất. Năm xưa, Mỹ và Liên Xô đã lựa chọn khôn ngoan, còn giờ đây Trung Quốc vẫn chưa chọn gì cả”, ông Krepon nói.

Trung Quốc thâu tóm tập đoàn truyền thông Nam Phi

Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ và tăng cường hiện diện tại châu Phi trong nhiều lĩnh vực và truyền thông cũng không ngoại lệ - từ báo giấy, tạp chí đến truyền hình vệ tinh và đài phát thanh.

Mới đây nhất, theo tờ The Globe and Mail, một tập đoàn truyền thông thuộc Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã bắt tay với một số đối tác để mua lại quyền sở hữu Independent News and Media, một trong những tập đoàn truyền thông quyền lực nhất Nam Phi, có báo ngày phát hành tại mọi thành phố lớn của nước này.

H.G

Thụy Miên

>> Mỹ phóng tên lửa 'khủng' đưa vệ tinh tối mật lên quỹ đạo
>> Ukraine, Nhật Bản theo dõi vùng bị thảm họa hạt nhân bằng vệ tinh
>> Vệ tinh Rồng Nhỏ đã được đưa lên không gian
>> Nga bác tin vệ tinh quân sự rơi ở Trung Quốc
>> Nhật sẽ phóng 9 vệ tinh giám sát biển
>> Ấn Độ phóng vệ tinh cạnh tranh với Trung Quốc
>> Ấn Độ phóng vệ tinh định vị đầu tiên
>> Tên lửa mang theo vệ tinh Nga rơi sau khi rời bệ phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.