(TNO) Nhiều người ở Nam Phi vẫn tin rằng chính Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã chỉ điểm cho cảnh sát Nam Phi bắt giữ Nelson Mandela cách đây 50 năm.
Ông Nelson Mandela, người hiện nằm viện vì nhiễm trùng phổi, bị bắt ngày 5.8.1962 và tống vào ngục trong 27 năm để rồi trở thành một trong những tù nhân chính trị nổi tiếng và được tôn kính nhất lịch sử.
Sức khỏe suy yếu của Mandela và lần nhập viện mới đây của ông đã đẩy mạnh những cuộc đào xới nhằm tìm hiểu càng nhiều càng tốt về cuộc đời cựu tổng thống Nam Phi.
Mới đây, tờ Wall Street Journal số ngày 22.12 đã đăng tải bài báo kể về vụ bắt giữ Mandela.
Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 5.8.1962, trên một con đường hướng về thị trấn Howick, một chiếc Ford V-8 chở đầy cảnh sát đã chặn chiếc xe chở một người da đen khoác chiếc áo tài xế màu trắng. Khung cảnh này không có gì quá bất thường trong thời kỳ Apartheid, ngoại trừ việc người mang áo tài xế lại ngồi tại ghế hành khách.
Bằng một cách nào đó, cảnh sát Nam Phi biết trước rằng một trong những người bị truy nã gắt gao nhất nước này chuẩn bị đóng giả làm một tài xế chở khách tại Johannesburg.
Người thực sự lái xe, Cecil Williams, đang đóng giả là một doanh nhân người da trắng giàu có. Chỉ có màu da của ông này là thật. Ông thực sự là một giám đốc nhà hát nổi tiếng và là một đảng viên Cộng sản Nam Phi.
Khi ấy, Mandela mới vừa trở về từ một trại huấn luyện ở châu Phi để lãnh đạo một nhóm những người chuyên đánh phá các mục tiêu công cộng.
Thất vọng vì giới hạn của các cuộc biểu tình hòa bình, đảng Đại hội Dân tộc châu Phi (ANC), vốn bị cấm hoạt động từ năm 1960, đã quyết định lập một cánh quân sự.
Khi họ lái đến Johannesburg từ thành phố Durban vào buổi chiều hôm ấy, Mandela và Williams đang tìm kiếm các địa điểm tấn công.
Khi chiếc xe cảnh sát chặn đầu xe họ, Mandela nói ông là tài xế tên David Motsamayi, theo cuốn hồi ký Long Walk to Freedom (tạm dịch Đường dài đến tự do) của ông. Song viên trung sĩ cảnh sát không thèm đếm xỉa và đọc lệnh bắt.
Một thẩm phán đã tuyên án Mandela 5 năm tù giam, 3 năm vì xúi giục người dân bãi công và 2 năm vì rời đất nước mà không có hộ chiếu.
Mức án được kéo dài sau một phiên tòa năm 1964, trong đó ông cùng bảy người khác bị tuyên án tù chung thân vì tội phá hoại và các hành vi khác.
Có một câu hỏi đến nay vẫn làm nhiều người thắc mắc, đó là ai đã bán đứng ông?
Denis Goldberg, một nhà hoạt động cùng bị kết tội trong phiên tòa năm 1964, tin rằng một điệp viên CIA đã thoáng nghe rằng Mandela đang có mặt tại Durban và chuyển thông tin này cho an ninh Nam Phi để đổi lại việc khai thác một người cung cấp tin tức đang ngồi tù.
Theo Goldberg, cộng đồng tình báo thế giới rất thân thiện với nhau vào lúc đó. “Họ đều biết nhau, nhậu nhẹt cùng nhau”, Goldberg nói với tờ Wall Street Journal.
Những người tin rằng một kẻ chỉ điểm của CIA đã bán đứng Mandela nhắc lại các tường thuật của truyền thông thế giới nhiều năm sau đó về một nhà ngoại giao cỡ nhỏ của Mỹ tại lãnh sự quán ở Durban, người được cho là đã khoe khoang thành tích chỉ điểm cho cảnh sát bắt Mandela tại một bữa tiệc.
Báo chí Anh và Nam Phi xác định nhà ngoại giao này tên Donald Rickard.
Rickard hiện sống tại bang Colorado ở Mỹ và nói với tờ Wall Street Journal: “Chuyện đó không có thật. Không có chút sự thật nào trong đó”.
Tờ Wall Street Journal đã yêu cầu Văn khố Quốc gia Mỹ và CIA cung cấp thông tin về Rickard và mối liên hệ tiềm tàng giữa CIA và vụ bắt giữ Mandela.
Tuy nhiên, CIA đã từ chối bình luận trong khi cảnh sát Nam Phi không phản hồi các câu hỏi về vụ bắt giữ.
|
Theo tờ Wall Street Journal, chính phủ Mỹ cũng chẳng ưa gì chế độ Apartheid ở Nam Phi. Một bức điện mật vào năm 1964 của Bộ Ngoại giao Mỹ được giải mật sau này đã báo động về sự gia tăng các vụ bắt giữ nhằm vào những người nổi dậy chống lại Apartheid.
Bức điện ghi lại lo ngại về việc Mandela và những người đồng chí có thể bị tử hình trong phiên tòa năm 1964. “Cái chết của họ chắc chắn sẽ làm gia tăng các phương pháp bạo lực và cực đoan”, bức điện viết.
Bản thân Mandela cho rằng vụ bắt giữ của ông xuất phát từ sự hớ hênh trong việc cải trang của phong trào.
“Tôi không thể quy trách nhiệm (cho CIA). Thực sự việc tôi không bị bắt sớm hơn đã là một điều kỳ lạ”, Mandela viết trong hồi ký.
Nhân vật từng đoạt giải Nobel Hòa bình kể lại rằng ông đã giấu một khẩu súng lục nạp đầy đạn trong xe hơi vào ngày hôm ấy song quyết định không sử dụng nó. Quyết định không nổ súng tìm đường thoát đã mở ra một cuộc hành trình dài đưa ông từ nhà tù đến với chức vụ tổng thống trên cương lĩnh hòa bình, tha thứ và hòa giải giữa các sắc tộc trong cùng đất nước.
Vào năm 1996, Mandela thăm lại nơi ông bị bắt và nói rằng những năm tháng lao tù đã thay đổi ông và những người đồng chí trong phong trào.
Ông Mandela nói: “Mặc dù đó là một trải nghiệm bi thảm, nó rất có ích, vì chúng tôi có thể đánh giá lại cuộc chiến đấu, các sai lầm phạm phải và các thành tựu. Và chúng tôi vượt qua với sự chuẩn bị tốt hơn để tiếp tục sự nghiệp và đối mặt với những thách thức mới”.
Sơn Duân
>> Nam Phi in tiền hình nhà cách mạng Nelson Mandela
>> Nam Phi - đất nước nhiều thủ đô
>> Nam Phi - Mandela - World Cup
>> Nelson Mandela - hành trình cứu một dân tộc
Bình luận (0)