Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Thông tư liên tịch quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa, liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa.
Theo dự thảo thông tư, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án phải bảo đảm cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thực hiện quyền được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa, khi họ có yêu cầu.
Một số trường hợp sẽ bị cơ quan có thẩm quyền từ chối, bao gồm: Các tài liệu liên quan đến bí mật Nhà nước; bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật gia đình của người tham gia tố tụng đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giữ bí mật; Có căn cứ xác định bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, dữ liệu điện tử, đồ vật của vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này; Có căn cứ xác định bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tiết lộ thông tin vụ án, bí mật điều tra mà mình biết; sử dụng tài liệu đã được đọc, ghi chép vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…
tin liên quan
Người bệnh có được sao chép hồ sơ bệnh án ?Gần đây, nhiều bệnh nhân và thân nhân yêu cầu bệnh viện (BV) sao chép (photocopy) toàn bộ hồ sơ bệnh án (HSBA) với mục đích đi nơi khác chữa trị hoặc để tham khảo... Tuy nhiên, phía BV không cung cấp dẫn đến mâu thuẫn, cự cãi, thậm chí là "quậy" BV.
Khi có yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu thì bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải có văn bản yêu cầu và gửi đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án. Trong văn bản yêu cầu phải ghi rõ các thông tin của bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đã bị khởi tố hình sự, các tài liệu cần đọc, ghi chép, địa chỉ liên lạc và điện thoại liên hệ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án chuẩn bị và kịp thời thông báo việc cho họ được đọc, ghi chép tài liệu theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định tại Thông tư liên tịch.
Đối với bị can đang bị tạm giam thì văn bản yêu cầu được gửi cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án thông qua cơ sở giam giữ. Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu của bị can, cơ sở giam giữ có trách nhiệm chuyển yêu cầu của bị can cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án đó.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Nếu xét thấy không thuộc các trường hợp quy định cấm cung cấp, thì phải chuẩn bị ngay bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa và thông báo cho họ biết thời gian, địa điểm tiến hành đọc, ghi chép các tài liệu đã yêu cầu.
Đối với bị can không bị tạm giam hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, việc đọc, ghi chép tài liệu được thực hiện tại trụ sở làm việc của cơ quan tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án. Đối với bị can bị tạm giam, việc đọc, ghi chép tài liệu sẽ diễn ra tại phòng hỏi cung.
Dự thảo thông tư quy định việc cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đọc, ghi chép tài liệu phải có sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền và được lập thành biên bản. Bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu thì phải trả lệ phí, chi phí theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)