Bị cành cây quẹt, người đàn ông suýt phải cưa chân vì chủ quan

Lê Cầm
Lê Cầm
12/09/2022 15:07 GMT+7

Nam bệnh nhân C.S. (68 tuổi, quốc tịch Campuchia ), trong một lần làm vườn bị vết thương nhỏ ở cổ chân do cành cây quẹt.

Thấy vết thương nhỏ và không chảy máu nhiều, nên ông S. xem là bình thường và tự đắp thuốc lá xử lý vết thương. Một tuần sau khi đắp thuốc lá vết thương cổ chân ông sưng đỏ, đau nhức dữ dội, vết loét lan lên vùng cẳng chân, vùng đùi, xuất hiện dịch chảy. Ông được người thân đưa đến một bệnh viện địa phương tại Campuchia để điều trị. Tuy nhiên cơn đau không thuyên giảm và chân ông có dấu hiệu nặng hơn. Sau đó, người nhà đã quyết định chuyển cấp cứu điều trị tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn.

Ngày 12.9, BS.CKI Hồ Thanh Lịch - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, lúc nhập viện, người bệnh có bệnh nền gout và thể trạng thừa cân, nhiễm trùng chân trái lan rộng. Bác sĩ nhận định người bệnh có nhiễm trùng huyết nên chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm, chụp cộng hưởng từ mô mềm (MRI), cấy máu, cấy dịch mủ vết thương.

Kết quả ghi nhận người bệnh ngoài vấn đề nhiễm trùng chân nặng, nhiều ổ áp xe nhỏ trong cơ vùng đùi, cơ cẳng chân trái, bệnh nhân còn có rối loạn đông máu, hạ kali máu kèm suy thận cấp.

Nguyên nhân nhiễm trùng máu là do người bệnh có tiền căn gout, dùng corticoid trong thời gian dài để điều trị giảm đau khớp nên tình trạng nhiễm trùng có cơ hội bùng phát mạnh, gây viêm mô tế bào, lan rộng hết cẳng chân, nhiễm trùng máu. Và khi vết loét hình thành, người bệnh không biết rõ tình trạng bệnh của mình nên không được điều trị đúng cách.

Ê kíp gồm BS.CKI Nguyễn Văn Minh và các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình đã mổ khẩn, rạch giải áp, dùng máy hút áp lực âm cắt lọc toàn bộ phần hoại tử. Vết thương sau đó phải để hở, sử dụng kháng sinh phổ rộng bao vây. Hai tuần sau, tiếp tục dùng kỹ thuật vá da để bảo toàn cẳng chân cho người bệnh. Sau phẫu thuật tích cực, phần da ghép đã hồng hào.

Bệnh nhân tập đi sau khi hồi phục

bvcc

Bên cạnh đó, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực theo phác đồ: đặt ống nội khí quản, lập đường truyền tĩnh mạch trung tâm, bù dịch, dùng thuốc kháng sinh... May mắn là sau thời gian điều trị tích cực của các chuyên khoa, trải qua thêm 5 lần ca phẫu thuật, sử dụng kháng sinh phù hợp, ông S. đã phục hồi thể trạng, vết thương tại khu vực phẫu thuật đã liền, ăn uống sinh hoạt bình thường và được xuất viện.

Nhờ điều trị tích cực, bệnh nhân đã tránh được việc phải cắt cụt chân bị hoại tử do bị viêm mô tế bào nặng. Trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được thăm khám tại bệnh viện và tiến hành tập phục hồi chức năng để sớm vận động lại như bình thường.

Song song đó, bệnh viện cũng tiến hành cấy tìm vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh. Tuy chưa xác định được chính xác tác nhân, nhưng theo các bác sĩ rất có khả năng ông S. bị vi khuẩn hiếm gặp tấn công kèm theo việc chưa biết cách sơ cứu và điều trị tốt với tình trạng bệnh của mình.

Không nên chủ quan với vết thương nhỏ

BS.CKI Võ Thị Huỳnh Nga - Trưởng khoa Nội tổng hợp cho biết thêm: Nhiều trường hợp từ một vết thương rất nhỏ nhưng không được xử trí ban đầu tốt nên bị nhiễm trùng. Đặc biệt với viêm mô tế bào là bệnh nhiễm trùng da và mô mềm dưới da do vi khuẩn. Viêm mô tế bào có biểu hiện đặc trưng là một vùng da bị viêm quầng (erysipelas) trở nên sưng, nóng, đỏ và đau, giới hạn không rõ, có tính chất lan tỏa.

Đây là một bệnh lý ít gặp, gây hoại tử lan rộng, diễn tiến rất nhanh và rầm rộ. Nếu chậm trễ xử lý, bệnh nhân có thể tử vong do sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân S. cũng đã có dấu hiệu suy thận cấp, rối loạn điện giải. Do vậy, không nên tự ý sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc và nên đến bệnh viện thăm khám khi có những dấu hiệu bất thường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.