'Bị cáo Đinh La Thăng đi ngược chỉ đạo của Chính phủ'

Lê Quân
Lê Quân
12/03/2021 12:48 GMT+7

Đối đáp tại phiên tòa xét xử vụ Ethanol Phú Thọ , đại diện VKS khẳng định bị cáo Đinh La Thăng có hành vi vô trách nhiệm, bất chấp các quy định về chỉ định thầu, trái chỉ đạo của Chính phủ.

Tại phiên tòa xét xử vụ Ethanol Phú Thọ sáng 12.3, sau phần tranh luận của các luật sư và tự bào chữa của ông Đinh La Thăng và 11 bị cáo khác, VKSND TP.Hà Nội đã thể hiện quan điểm buộc tội cứng rắn.

An ninh thắt chặt ngày phúc thẩm vụ án Đồng Tâm và xét xử ông Đinh La Thăng

Bị cáo Đinh La Thăng có vai trò lớn trong vụ Ethanol Phú Thọ

VKSND TP.Hà Nội khẳng định, những quan điểm tranh luận, tự bào chữa của luật sư và bị cáo Đinh La Thăng là không có căn cứ. Bởi, việc triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, trong đó có dự án Ethanol Phú Thọ ở phía Bắc, là nhiệm vụ được Chính phủ và Bộ Công thương giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Bị cáo Thăng đã chủ trương giao cho Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) được nhận thầu dự án Ethanol Phú Thọ để PVC được chỉ định thầu; bị cáo Thăng vừa có sự chỉ đạo, giao nhiệm vụ trực tiếp đối với PVC vừa chỉ đạo trực tiếp đối với người đại diện vốn tại PVN. 
VKS nhận định, xem xét các văn bản chỉ đạo của bị cáo Thăng từ tháng 3.2009 và kết luận cuộc họp ngày 7.5.2009 với kết luận chỉ đạo ngày 2.6.2009 và tại Công văn số 3839 ngày 27.5.2009, việc này không phải là suy diễn chủ quan của năng lực liên danh nhà thầu, mà các bị cáo hoàn toàn biết rõ năng lực liên danh nhà thầu do PVC đứng đầu không đủ năng lực thực hiện dự án, nhưng đã chỉ đạo không xem xét về năng lực nhà thầu, chỉ xem xét về giá gói thầu theo chủ đầu tư đưa ra.
Từ phân tích và nhận định trên, VKS khẳng định, hành vi của các bị cáo Đinh La Thăng, Trần Thị Bình vi phạm luật Xây dựng năm 2003, cấu thành tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, đúng như cáo trạng đã truy tố. Đồng thời, không có cơ sở chấp thuận luận điểm mà các bị cáo đưa ra.
“Trong vụ án, từ bị cáo là người đứng đầu tới các bị cáo là nhân viên của các đơn vị cấp đưới có sự thống nhất, câu kết với nhau để cùng thực hiện hành vi tội phạm”, VKS nêu.
Đại diện VKS phân tích việc triển khai các dự án nhiên liệu sinh học là nhiệm vụ Chính phủ và Bộ Công thương giao cho PVN. Sau đó, tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên chuẩn bị thực hiện các dự án, đồng thời thành lập ban chỉ đạo để thực hiện các dự án này.
Bị cáo Đinh La Thăng với vị trí người đứng đầu PVN và là Trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, trong đó có dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ, đã chỉ đạo về chủ trương, giao cho PVC được chỉ định thầu.
VKS cho rằng, bị cáo Thăng giao nhiệm vụ trực tiếp cho PVC và chỉ đạo người đại diện phần vốn góp tại PVB là chủ đầu tư dự án để chỉ định thầu.
Về tư cách pháp nhân của Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), đại diện VKS cho rằng, đây là công ty cổ phần nhưng được thành lập theo chủ trương của PVN, trên cơ sở nghị quyết do bị cáo Thăng ban hành.

Dự án Ethanol Phú Thọ tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư

Ảnh Đình Trường

Vì sao hoãn phiên tòa ngày 22.1.2021 xét xử ông Đinh La Thăng trong vụ Ethanol Phú Thọ?

"Bị cáo Đinh La Thăng có hành vi vô trách nhiệm"

Kiểm sát viên cũng nêu, bị cáo Đinh La Thăng đã thừa nhận PVB là con đẻ của 3 công ty con khác thuộc PVN. Ba đơn vị thành viên của PVN còn có phần vốn góp chiếm tỷ lệ hơn 80% tại PVB. Do đó, trên thực tế, PVB hoàn toàn bị chi phối và lệ thuộc vào sự chỉ đạo toàn diện của PVN.
Căn cứ các lập luận, đại diện VKS quy kết từ những chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng, các bị cáo tại PVB và PVC đều tiếp nhận ý chí chung của Chủ tịch PVN về chủ trương chỉ định thầu dự án Ethanol Phú Thọ.
“Các bị cáo tại PVC là đồng phạm”, kiểm sát viên khẳng định và đánh giá chủ trương phát huy nội lực trong tập đoàn không sai. Nhưng khi thực hiện, ông Thăng và các bị cáo đã vi phạm pháp luật. Đại diện VKS lập luận, trên thực tế, PVC không hề đủ năng lực thực hiện dự án ở Phú Thọ.
“Đây là hành vi vô trách nhiệm, bất chấp các quy định về chỉ định thầu và đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, kiểm sát viên nhận định về hành vi của bị cáo Đinh La Thăng và khẳng định sai phạm của bị cáo Đinh La Thăng thể hiện qua những bút phê, chỉ đạo kết luận tại một số cuộc họp yêu cầu giao thầu chỉ định dự án cho PVC dù thời điểm đó, chủ đầu tư là PVB còn chưa xem xét việc lựa chọn nhà thầu.
Bị cáo Đinh La Thăng còn bị xác định đã chỉ đạo PVB lùi thời gian sơ tuyển nhà thầu, hạ một số tiêu chí của dự án để PVC được chỉ định thầu.
Dựa vào các chứng cứ trong hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm luận tội khi cho rằng cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng biết rõ PVC chưa thực hiện dự án nào về ethanol. Song, bị cáo vẫn chỉ đạo quyết liệt để liên danh nhà thầu của PVC được chỉ định thầu, dẫn đến thiệt hại cho PVB 543 tỉ đồng.
Trước đó, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 12 - 13 năm tù về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 224 Bộ luật Hình sự.
Cựu Chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị 11 - 12 năm tù về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; 10 - 11 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh là người duy nhất trong vụ án bị truy tố hai tội danh.
9 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 30 tháng đến 8 năm tù về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 224 bộ luật Hình sự.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.