Bị cáo Trịnh Xuân Thanh nhiều lần xin trình bày ý kiến khi bị cáo Đinh La Thăng tranh luận
Phần tranh luận của bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), là diễn biến gây chú ý nhất trong sáng 11.3, tại phiên tòa xét xử vụ Ethanol Phú Thọ gây thiệt hại 543 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, bị cáo Đinh La Thăng biết Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) không đủ năng lực thi công dự án Ethanol Phú Thọ do Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) làm chủ đầu tư. Dù vậy, bị cáo này vẫn lợi dụng chức vụ của mình, buộc PVB chỉ định thầu cho PVC. Năm 2013, PVC phải dừng thi công do không đủ năng lực, dẫn tới thiệt hại 543 tỉ đồng cho PVB. Đây là số tiền lãi chủ đầu tư phải trả cho các ngân hàng.
Tranh luận trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng phản bác truy tố và cho rằng, không bao giờ có ý kiến buộc chỉ định thầu. Đồng thời, bị cáo này đề nghị được hỏi các bị cáo trong phiên tòa, nhưng chủ tọa không đồng ý do đã kết thúc phần hỏi, hiện đang ở phần tranh luận.
Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng phản đối, cho rằng bản thân bị cách ly, không cho tham gia phần hỏi trên nên “giờ phải bù lại cho tôi”.
Ngay lúc này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch PVC, nhiều lần đứng dậy xin được trình bày ý kiến nhưng không được Chủ tọa đồng ý. Đồng thời, Chủ toạ yêu cầu bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục phần tranh luận, không được hỏi.
Theo bị cáo Đinh La Thăng, PVN được Chính phủ cho phép chỉ định thầu với những dự án PVN có trên 50% vốn nhưng tại PVB, các đơn vị của PVN chỉ có hơn 39% vốn nên không có quyền quyết định. Do đó, việc chỉ định thầu hay đấu thầu là trách nhiệm của Hội đồng quản trị PVB.
“Phần đối đáp, xin đại diện Viện Kiểm sát trao đổi lại là nhóm lợi ích nào, lợi ích gì, bao tiền, ai hưởng bao nhiêu?”, bị cáo Đinh La Thăng nói, và bày tỏ không đồng ý khi VKSND TP.Hà Nội quy kết bản thân là chủ mưu, lợi ích nhóm.
Bị cáo Đinh La Thăng cho biết, việc phát triển nhiên liệu sinh học là chủ trương đúng, bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm cho nông dân trồng sắn… Tuy nhiên, cơ chế do các bộ, ngành đưa ra chưa phù hợp, nên đến nay một số dự án Ethanol ở Dung Quất, Bình Phước vẫn chỉ hoạt động cầm chừng.
|
"Cáo trạng chỗ nào cũng thấy Đinh La Thăng chỉ đạo"
Bị cáo Thăng cũng cho rằng, cáo trạng quy buộc bị cáo phải biết việc làm của cấp dưới hoặc những người ở PVB, vốn không là thành viên của PVN, là không chính xác. Nói về cáo buộc bản thân biết năng lực của PVC không thi công được dự án nhưng vẫn tác động để đơn vị này được chỉ định thầu, bị cáo Đinh La Thăng phản đối: “Bao người làm từ Hội đồng quản trị, ban giám đốc… được Viện Kiểm sát nói không biết năng lực của PVC là khách quan. Còn tôi khi đó ở vị trí Chủ tịch PVN, rất xa, không có trách nhiệm phải biết thì lại bị buộc phải biết và phải chịu trách nhiệm hình sự về việc này”.
“Ethanol Phú Thọ chỉ là dự án bé tí về quy mô. Lọc hóa dầu, điện khí khó hơn trăm lần còn làm được. Nhiên liệu sinh học thực ra chỉ là nấu rượu quy mô lớn, có gì đâu không làm được”, bị cáo Đinh La Thăng nói thêm, và bày tỏ đồng tình quan điểm của các luật sư đánh giá nguyên nhân dự án dừng hoạt động là do chủ đầu tư không tiếp tục chi tiền vì dự án sẽ không có lãi. Nguyên nhân dự án không có lãi nhiều, nhưng gồm cả cơ chế, chính sách, trong khi theo bị cáo này, cáo trạng lại chỉ quy kết yếu tố con người.
Bị cáo Đinh La Thăng nói như gắt: “La, Thăng là tên nốt nhạc thật nhưng không phải bản nhạc nào cũng chỉ có La Thăng. Cáo trạng chỗ nào cũng thấy Đinh La Thăng chỉ đạo. Đây là bản cáo trạng chứ không phải bản nhạc. Các cụ nói rồi, lời nói đọi máu và cáo trạng mỗi từ mỗi câu đều là tù tội, là tiền bồi thường… !”.
Trước đó, VKSND TP.Hà Nội đề nghị tuyên án đối với bị cáo Đinh La Thăng ở mức 12 - 13 năm tù giam, buộc bồi thường trách nhiệm dân sự.
Bình luận (0)