Trịnh Xuân Thanh: 'Tôi ngồi tù 3 năm rưỡi mà vẫn không hiểu sao bị xét xử?'

Lê Quân
Lê Quân
10/03/2021 11:37 GMT+7

Trả lời xét hỏi trước tòa sáng 10.3, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bày tỏ, đối với vị trí là nhà thầu dự án Ethanol Phú Thọ , dù đã ngồi tù 3 năm rưỡi nhưng vẫn chưa thấu hiểu vì sao lại bị đưa ra xét xử.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh: PVC bị PVN ép nhận thầu Ethanol Phú Thọ

Sáng 10.3, phiên tòa xét xử các bị cáo liên quan đến sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo của các luật sư tham dự phiên tòa.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC), nhận nhiều câu hỏi từ các luật sư và luôn giữ được bình tĩnh khi trả lời.
Theo cáo trạng, năm 2007, 3 đơn vị thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) thành lập Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) để làm chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ và cho mời thầu xây dựng nhà máy bằng hình thức “chìa khóa trao tay” - EPC.
Thấy vậy, PVC thành lập liên danh đấu thầu xây dựng dự án này nhưng bị từ chối vì không đủ khả năng. Tuy nhiên, bị cáo Trịnh Xuân Thanh với vị trí Chủ tịch PVC liên tục đề nghị giảm yêu cầu với nhà thầu và sau đó xin cho PVC được nhận thầu theo hình thức chỉ định thầu.
Bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch PVN, cũng tác động để liên danh của PVC được chỉ định thầu một cách trái pháp luật. Liên danh của PVC sau đó được thi công nhưng đến năm 2013 phải dừng lại vì không đủ năng lực, gây thiệt hại hơn 543 tỉ đồng.

An ninh thắt chặt ngày phúc thẩm vụ án Đồng Tâm và xét xử ông Đinh La Thăng

Trước tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh một mực khẳng định với giá 59 triệu USD thì không thể làm được gói thầu dự án nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ theo hình thức EPC.
“Trong cuộc họp, có ý kiến nói 59 triệu USD thì không thể làm được mà phải gần 90 triệu USD mới làm được. Biên bản cuộc họp ghi thêm là 59 + 16 triệu USD mới làm được. Tôi có ý kiến nhưng lãnh đạo yêu cầu phải làm giá 59 triệu USD nên phải chấp hành. PVN có công văn yêu cầu thực hiện với giá 59 triệu USD, chúng tôi phải chấp hành, dù đã báo cáo là không thể làm giá đó”, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói. 

PVC “bỏ chạy” đã khiến dự án Ethanol Phú Thọ “đắp chiếu” từ 2013 đến nay, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng

Ảnh Đình Trường

“Tôi lấy tiền đâu mà đền”

Trả lời luật sư về nghị quyết HĐQT PVC thông qua nhận thầu dự án Ethanol Phú Thọ, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, biên bản cuộc họp có nhiều nhưng nghị quyết HĐQT mới là quyết định về luật pháp. Ban giám đốc trình lên xin ý kiến HĐQT mà không quá bán thì không ra được nghị quyết. Bản thân là Chủ tịch nhưng không có quyền ra nghị quyết.
“Ký công văn là cam kết thay mặt PCV chứ cá nhân tôi có lợi ích gì đâu. Tôi khẳng định với PVN là không thể làm được với giá 59 triệu USD. Tôi biết dự án nhiên liệu sinh học ở Dung Quất công suất kỹ thuật giống dự án Ethanol Phú Thọ, được quyết toán trên 100 triệu USD mà đến nay còn lỗ. Nhà đầu tư ở Ethanol Phú Thọ biết lỗ nên thà dừng luôn còn hơn tiếp tục”, bị cáo Trịnh Xuân Thanh trình bày trước tòa.
“Khi triển khai công việc phải theo luật. Chúng tôi là nhà thầu đi làm thuê, chúng tôi chỉ là đi xin làm, nên chủ đầu tư phải đồng ý, hiệu lực của hợp đồng là HĐQT các bên phải thông qua. Tôi có 3 năm rưỡi ngồi trong nhà tù, nghĩ mãi không biết vì sao vụ án này lại được đưa ra xét xử, đặc biệt là với nhà thầu chúng tôi. Rõ ràng đây là dự án thua lỗ do không đủ tiền. Tôi nhớ năm 2013, tôi bắt đầu không điều hành nữa nhưng có công văn dừng thi công thì chủ đầu tư phải làm việc với nhà thầu để quyết toán, thanh lý, bồi thường hợp đồng… Tiền lãi vay các ông phải trả sao lại đổ cho nhà thầu chúng tôi. Rồi kéo dài đến năm 2019, khởi tố vụ án rồi bắt đền chúng tôi là không đúng. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm từ khi PVC có văn bản dừng thi công”, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói.
Trước tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng xin phép được nói: “Tôi phân vân về các quyết định về đền tiền bị thất thoát, lãi vay… không do tham ô mà là số tiền rất lớn như tôi phải đền 30 tỉ đồng ở vụ án Thái Bình 2, tôi không hiểu lấy đâu tiền mà đền. Đề nghị HĐXX đề xuất nghiên cứu chỉnh luật hay thế nào đấy chứ ra quyết định không thi hành được thì luật pháp không nghiêm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.