Bị cáo Tất Thành Cang bật khóc tại tòa: 'Thiếu sót do trách nhiệm công việc nặng nề, không có ngày nghỉ'

07/06/2022 18:29 GMT+7

Tự bào chữa, bị cáo Tất Thành Cang bật khóc, cho rằng mình 'không tạo điều kiện cho Tề Trí Dũng'. Bị cáo Cang chỉ thừa nhận thiếu sót 'do trách nhiệm công việc nặng nề, không có ngày nghỉ'.

Ngày 7.6, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Tề Trí Dũng (40 tuổi, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC; Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco), bị cáo Tất Thành Cang (50 tuổi, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) và các đồng phạm.

Tất Thành Cang nghẹn ngào, lấy khăn lau nước mắt trong lúc tự bào chữa tại tòa

Các bị cáo liên quan đến sai phạm phát hành 9 triệu cổ phần của Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) cho Công ty Nguyễn Kim.

"Trách nhiệm công việc nặng nề, không có ngày nghỉ"

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Tất Thành Cang với vai trò là Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Tất Thành Cang đã có bút phê “đồng ý” vào tờ trình số 1148 của Văn phòng Thành ủy phát hành 9 triệu cổ phần có giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim. Trong vụ án này, bị cáo Cang đóng vai trò chủ đạo, tạo điều kiện cho bị cáo Tề Trí Dũng phạm tội.

Trước đó, bị cáo Cang kháng cáo kêu oan, đề nghị HĐXX xem xét tội danh. Đại diện Viện KSND cấp cao xét thấy, bị cáo có nhiều thành tích trong quá trình công tác, gia đình có công cách mạng và hậu quả vụ án đã được khắc phục. VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét giảm từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù đối với bị cáo.

Bị cáo Tất Thành Cang bật khóc khi tự bào chữa

NHẬT ThỊNH

Tự bào chữa, bị cáo Tất Thành Cang trình bày, Thường trực thành ủy không chủ trương đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. Từ đó bị cáo chủ trương không tiếp tục đầu tư tăng vốn điều lệ vào Sadeco. Tờ trình 1148 chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu chứ không phải phát hành cho cổ đông duy nhất.

Bị cáo Cang trình bày mình "không tạo điều kiện cho Tề Trí Dũng trong sai phạm tại Sadeco". Bị cáo chỉ nhận trách nhiệm đã thiếu sót trong công tác kiểm tra, do công việc của Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM quá nhiều, nên không phát hiện ra tờ trình 12A là giả mạo để ngăn chặn kịp thời.

Bị cáo Cang trình bày, không hề có mục đích nào khác, không có mục đích vụ lợi cá nhân.

Trong lúc tự bào chữa, bị cáo Tất Thành Cang bật khóc: “Khi bị cáo nhận vai trò Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, trách nhiệm công việc nặng nề. Bị cáo chưa bao giờ có ngày nghỉ hay về nhà trước 10 giờ tối”.

Luật sư đề nghị tuyên bị cáo Tất Thành Cang không phạm tội

Bào chữa cho bị cáo Tất Thành Cang, các luật sư (LS) đề nghị HĐXX nghị hủy một phần bản án sơ thẩm và đình chỉ một phần vụ án có liên quan đến bị cáo; đồng thời đề nghị tuyên bị cáo Tất Thành Cang không phạm tội và trả tự do cho bị cáo.

Các LS bào chữa cho bị cáo Tất Thành Cang trình bày HĐXX cần xem lại bản chất pháp lý của Tờ trình 12A (ghi mức giá dự kiến 40.000 đồng/cổ phần) và Tờ trình 13 (ghi giá 40.000 đồng/cổ phần, cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim) là hoàn toàn khác nhau.

Các bị cáo trong phiên xét xử phúc thẩm sai phạm tại Sadeco

NHẬT THỊNH

LS cho rằng, Tờ trình 12A được thực hiện do sự gian dối, báo cáo không trung thực của đại diện vốn Văn phòng Thành ủy tại Sadeco làm ảnh hưởng đến chỉ đạo của bị cáo. Tờ trình này không được hội đồng quản trị Sadeco thông qua nên không có giá trị pháp lý và không có hiệu lực. Còn Tờ trình 13 được thực hiện theo đúng trình tự quy định, được HĐQT Sadeco thông qua nên có giá trị pháp lý.

Cũng theo LS, cấp sơ thẩm bỏ qua tính không có hiệu lực pháp lý của Tờ trình 12A để so sánh với Tờ trình 13 là đồng hóa giữa chứng cứ gian dối bất hợp pháp với chứng cứ hợp pháp.

Trước đó, phát biểu quan điểm luận tội, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (VKS) ghi nhận bị cáo Tất Thành Cang có nhiều thành tích trong quá trình công tác, gia đình có công cách mạng và hậu quả vụ án đã được khắc phục. VKS đề nghị HĐXX giảm bị cáo Cang từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù.

Đối với bị cáo Tề Trí Dũng cung cấp tình tiết mới, gia đình bị cáo bồi thường cho Sadeco. VKS đề nghị HĐXX giảm từ 6 tháng đến 1 năm tù đối với bị cáo Dũng về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng giám đốc Sadeco) với vai trò thứ yếu, không hưởng lợi và gia đình khắc phục thiệt hại. VKS đề nghị HĐXX giảm từ 1 đến 2 năm tù cho tội danh trên và tội “tham ô tài sản”.

VKS còn đề nghị HĐXX giảm án cho Nguyễn Trường Bảo Khánh (cựu thành viên HĐTV IPC) được hưởng án treo và 4 bị cáo khác giảm một phần hình phạt từ 6 tháng đến 1 năm tù về một trong các tội danh trên.

Riêng, các bị cáo Phạm Văn Thông (cựu Phó chánh văn phòng Thành ủy), Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận), Vũ Xuân Đức (cựu Phó tổng giám đốc IPC) kháng cáo nhưng không cung cấp được tình tiết giảm nhẹ mới, VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo.

Đối với kháng cáo của Sadeco, buộc HĐXX tuyên các bị cáo bồi thường 2,8 tỉ đồng; đề nghị Sở KH-ĐT TP.HCM thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Sadeco với số vốn điều lệ đăng ký là 170 tỉ đồng. VKS cho rằng không có căn cứ chấp nhận.

Bị cáo Tất Thành Cang “mong tòa xét xử khách quan, toàn diện vụ án”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.