Bị chảy máu mũi, khi nào phải đi gặp bác sĩ hoặc cấp cứu?

Thiên Lan
Thiên Lan
09/06/2020 04:02 GMT+7

Chảy máu mũi có thể đáng sợ, nhưng thường không có gì nghiêm trọng và thường có thể được điều trị tại nhà.

Khi bị chảy máu mũi, máu chảy ra từ một hoặc cả hai lỗ mũi. Có thể nặng hoặc nhẹ và kéo dài từ vài giây đến 15 phút trở lên.
Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, chảy máu mũi có thể chỉ ra bệnh nghiêm trọng, theo Express.

Nguyên nhân gây chảy máu mũi

Không phải lúc nào cũng có thể xác định lý do chính xác gây chảy máu mũi. Có hai loại chảy máu mũi.
• Chảy máu mũi trước xảy ra khi các mạch máu ở phía trước mũi bị vỡ và chảy máu.
• Chảy máu mũi sau xảy ra ở phía sau hoặc phần sâu nhất của mũi.
Mỗi loại có nguyên nhân khác nhau.
Trong trường hợp chảy máu mũi sau, máu chảy xuống sau cổ họng và loại chảy máu mũi này có thể nguy hiểm, theo Express.

Chảy máu mũi trước

Phần lớn chảy máu mũi là chảy máu mũi trước, nghĩa là chảy máu từ thành giữa vách ngăn mũi, ngay bên trong mũi. Phần mũi này chứa nhiều mạch máu mỏng manh có thể dễ dàng bị hư hại.
Nguyên nhân có thể do:
• Ngoáy mũi, cay mũi
• Xì mũi rất mạnh
• Một vết thương nhỏ ở mũi
• Mũi bị nghẹt thường do nhiễm trùng như cảm lạnh hoặc cúm
• Không khí khô hoặc nhiệt độ tăng làm khô bên trong mũi
• Dị ứng
• Ở vùng cao
• Sử dụng quá nhiều thuốc thông mũi
• Lệch vách ngăn bẩm sinh hoặc chấn thương
Chảy máu mũi trước phổ biến ở trẻ em hơn và thường không có gì nghiêm trọng và có thể tự khỏi, theo Express.

Chảy máu mũi sau

Một số ít trường hợp là chảy máu mũi sau, nghĩa là chảy máu bắt nguồn từ các nhánh của động mạch ở khoang mũi.
Loại này phổ biến ở người lớn hơn trẻ em. Có thể nghiêm trọng hơn chảy máu mũi trước và chảy máu nhiều hơn. Cần đi gặp bác sĩ để tìm rõ nguyên nhân, theo Express.
Nguyên nhân gây chảy máu mũi sau bao gồm:
• Bị chấn thương ở đầu hoặc gãy mũi
• Phẫu thuật mũi gần đây
• Xơ cứng động mạch
• Uống các loại thuốc dễ gây chảy máu như aspirin và thuốc chống đông máu
• Có khối u trong khoang mũi
• Có bất thường đông máu, như bệnh tan máu
• Xuất huyết dưới màng cứng di truyền
Bệnh bạch cầu (rất hiếm gặp)
• Huyết áp cao cũng phổ biến hơn ở những người bị chảy máu cam và có thể làm cho máu khó cầm hơn

Cách nhận biết chảy máu mũi trước hoặc chảy máu mũi sau

Chảy máu mũi sau xảy ra khi các nhánh động mạch cung cấp máu cho mũi bị tổn thương. Tổn thương động mạch này dẫn đến chảy máu nặng hơn chảy máu mũi trước và máu thường có thể chảy vào cổ họng.
Nếu chảy máu mũi kéo dài hơn 20 phút, hoặc chảy máu bắt đầu sau khi bị thương ở đầu hoặc mặt, có khả năng đó là chảy máu mũi sau, theo Medical News Today.

Khi nào chảy máu mũi là nghiêm trọng?

Chảy máu mũi thường không nghiêm trọng.
Tuy nhiên, thường xuyên bị chảy máu mũi hoặc chảy rất nhiều có thể chỉ ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như huyết áp cao, suy tim sung huyết hoặc rối loạn đông máu, và cần được kiểm tra, Viện Y tế Quốc gia Anh cho biết.

Phải làm gì khi bị chảy máu mũi?

Để cầm chảy máu mũi, cần:
• Ngồi xuống và kẹp chặt 2 cánh mũi trong ít nhất 10 - 15 phút
• Nghiêng về phía trước và thở bằng miệng để điều hướng máu thoát ra qua đường mũi thay vì xuống phía sau cổ họng
• Chườm đá hoặc khăn lạnh lên sống mũi
• Đừng nằm mà ngồi thẳng, nhằm làm giảm áp lực trong các mạch máu ở mũi và ngăn chặn chảy máu thêm, theo Express.

Khi nào cần đi bác sĩ?

Bình thường, máu sẽ tự ngừng chảy. Tuy nhiên, một số trường hợp sau cần đi gặp bác sĩ.
• Đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc bị rối loạn đông máu
• Có các triệu chứng thiếu máu như tim đập nhanh, khó thở và da tái nhợt, theo NHS Inform.
• Trẻ em dưới 2 tuổi bị chảy máu mũi
• Thường xuyên chảy

Khi nào cần đi cấp cứu?

Nhờ người đưa đi cấp cứu ngay, nếu:
• Chảy máu không ngừng, lâu hơn 20 phút, sau khi đã 2 lần cố gắng kẹp mũi mỗi lần 10 phút
• Chảy máu rất nhiều và mất rất nhiều máu
• Cảm thấy khó thở, chóng mặt và mệt
• Nuốt một lượng máu lớn gây nôn mửa
• Sau khi bị ngã hoặc chấn thương, theo Express.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.