Khớp gối được hợp lại từ xương đùi, xương chày, xương bánh chè, dây chằng, sụn và một số bộ phận khác, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Đau đầu gối ban đêm có thể do nhiễm nguyên nhân tiềm ẩn gây ra |
SHUTTERSTOCK |
Ngoài các bộ phận trên thì khớp gối còn chứa đầy các túi chất dịch giúp đầu gối di chuyển trơn tru. Vì đầu gối đóng vai trò quan trọng khi vận động, di chuyển nên dễ chấn thương.
Các cơn đau đầu gối thường đi kèm với các triệu chứng như sưng, cứng, đỏ, yếu hoặc phát ra tiếng kêu lộp cộp. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau.
Vì ban đêm là thời điểm chúng ta ngừng vận động nên những cơn đau xuất hiện trong thời điểm này sẽ khó xác định nguyên nhân.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đau đầu gối ban đêm. Với những người bị viêm xương khớp, mô trong khớp gối bị hao mòn có thể là nguyên nhân dẫn đến đau vào ban đêm. Vì ban đêm, tình trạng ngưng hoạt động sẽ làm giảm dịch bôi trơn khớp gối. Kết quả là khiến cơn đau khó chịu hơn.
Một lời giải thích khác là vào ban đêm, không gian tĩnh lặng sẽ ít gây xao nhãng. Điều này khiến người bệnh sẽ dễ tập trung vào cơn đau hơn. Họ bắt đầu nhận thức rõ hơn về cảm giác khó chịu ở đầu gối.
Ngoài ra, một số quá trình sinh hóa của cơ thể cũng kích thích cơn đau đầu gối. Chẳng hạn, cơ thể người bị viêm khớp dạng thấp sẽ tiết ít cortisol - một chất kháng viêm - hơn vào ban đêm. Điều này khiến cơn đau có xu hướng nặng hơn.
Những nguyên nhân khác có thể góp phần gây đau đầu gối ban đêm là mất ngủ, tiêu thụ caffein trước khi ngủ, nệm, gối hay tư thế ngủ không đúng gây áp lực lên đầu gối.
Để điều trị đau đầu gối, việc đầu tiên cần làm là đến khám bác sĩ. Bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT, MRI. Sau khi chẩn đoán, bệnh nhân có thể được kê thuốc giảm đau, khuyến nghị tập thể dục phù hợp, tiêm thuốc hay phẫu thuật, theo Healthline.
Bình luận (0)