(TNO) Do thị trường xuất khẩu gạo trầm lắng, giá xuống thấp nên nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạo đang có nguy cơ thua lỗ trong năm 2012.
Giám đốc một công ty xuất khẩu gạo tại đồng bằng sông Cửu Long cho hay, hiện tại công ty ông đang tồn kho hơn 10.000 tấn gạo.
Phần lớn lượng gạo tồn kho này từ năm 2011 chuyển qua. Nếu so sánh giá xuất khẩu năm 2012 so với năm 2011 thì 1 kg gạo giảm giá 2.000 đồng. Như vậy với 10.000 tấn gạo tồn kho, doanh nghiệp ông đang cầm chắc khoản lỗ 20 tỉ đồng.
|
“Cuối năm 2011, dù đã cố gắng đẩy hàng đi nhưng thị trường ế ẩm, hàng đẩy đi không kịp. Cứ hy vọng năm nay sẽ tăng hoặc ít ra đứng giá, ai ngờ càng chờ giá càng xuống. Con số 20 tỉ mới chỉ tính do rớt giá, chứ chưa tính lãi suất ngân hàng”, vị giám đốc này buồn rầu nói.
Doanh nghiệp gạo có thể thua lỗ do tồn hàng là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Khi được hỏi, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dù không công bố con số tồn kho của doanh nghiệp, nhưng cũng thừa nhận thị trường xuất khẩu gạo đang rất khó khăn vì có quá nhiều đối thủ cạnh tranh.
|
Ông Bảy cho hay hiện Ấn Độ, Pakistan, Myanmar đang đẩy mạnh lượng gạo tồn kho và sẵn sàng giảm giá mạnh. Thậm chí Ấn Độ bán gạo 5% tấm với giá chỉ 420 USD/tấn. Chưa kể nước này còn có lợi thế bán sang châu Phi (thị trường chính của Việt Nam) do chi phí vận chuyển rẻ hơn Việt Nam.
“Thậm chí ngay cả những thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia cũng bị các nước này nhảy vào cạnh tranh”, ông Bảy nói thêm.
Đồng tình với ý kiến xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn nhưng ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc điều hành Công ty TNNH Gạo Việt cho rằng, doanh nghiệp tồn kho dẫn đến thua lỗ chủ yếu rơi vào doanh nghiệp nhà nước. Còn doanh nghiệp tư nhân hiện nay lượng tồn kho không nhiều. Thậm chí có doanh nghiệp đã giải phóng hết hàng từ trước khi vào vụ đông xuân 2011-2012.
Ông Long phân tích: “Nhiều doanh nghiệp nhận định năm nay xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh rất dữ dội. Do đó, họ đã chủ động đẩy hàng đi khi có điều kiện chứ không dám tích hàng chờ giá lên như trước”.
Theo ông Long, mấu chốt lớn nhất của xuất khẩu gạo chính là tìm đầu ra cho thị trường. Trước đây, Việt Nam có một số thị trường truyền thống nhưng nay các thị trường đó cũng có nhiều sự lựa chọn từ các nước xuất khẩu.
“Philippines trước đây chủ yếu là mua của Việt Nam. Nhưng vừa rồi trong 120.000 tấn dự tính nhập khẩu, họ cũng mua 20.000 tấn của Campuchia. Còn 100.000 tấn thì họ đang lưỡng lự mua một trong ba nước Việt Nam, Campuchia, Thái Lan”, ông Long phân tích.
Một số doanh nghiệp cho hay sức mua của thị trường yếu hẳn đi trong hai tuần qua. Thị trường trầm lắng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu sắp tới.
Tuy nhiên, thị trường gạo được kỳ vọng sẽ ấm lên, với giá dự kiến sẽ tăng ở sau thời điểm tháng 8.2012.
Xuất khẩu gạo đạt hơn 1,1 tỉ USD Lũy kế xuất khẩu gạo từ đầu năm đến cuối tháng 5.2012 đạt hơn 2,4 triệu tấn, với trị giá FOB hơn 1,1 tỉ USD. |
Trung Hiếu
>> Sẽ không chủ động mua gạo tạm trữ
>> Chiến lược nào cho hạt gạo?
>> Gạo xuất khẩu tăng giá
>> Nông nghiệp xuất siêu gần 3 tỉ USD
>> Vị thế mới vùng vựa lúa
>> Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho hạt gạo
>> Xuất khẩu gạo giảm mạnh
Bình luận (0)