Chuyện của Lá thư và hai Cô gái trước bình phong
Hai tác phẩm được cho là Lá thư của danh họa Tô Ngọc Vân và Hai cô gái trước bình phong của danh họa Trần Văn Cẩn đã được nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông rút xuống khỏi trang thông tin đấu giá của mình. Tuy nhiên, những bàn tán về Lá thư và Hai cô gái trước bình phong chưa dừng lại. Lần này, công chúng bàn về thực trạng của hai bức tranh thật hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm này hiện khá nhợt nhạt, cho thấy đã xuống cấp.
Bà Trần Thị Hương, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết bà về công tác tại bảo tàng khi các bức tranh này đã được mua. “Theo thông tin từ cô Hải Yến, người mua hai tranh này, thì khi mua về, tranh cũng không hoàn hảo. Những tác phẩm không thực sự hoàn hảo cũng vẫn phải mua vì giá trị của tác phẩm, tác giả, sau đó bảo quản, chăm sóc”, bà Hương nói.
Bà Hương cho biết thêm nhiều tác phẩm mới đây được mua cũng ở trong tình trạng “sức khỏe yếu”. Tuy nhiên, do giá trị của tác phẩm và tác giả, bảo tàng vẫn quyết định mua. “Như bức Hoa loa kèn của bác Trần Văn Cẩn, khi mua thì tranh cũng đã ở tình trạng yếu. Nhưng bảo tàng vẫn quyết định mua, mua với giá cũng lớn. Nói chung, tác phẩm của những danh họa thời ấy đều khó có thể trạng tốt”, bà Hương cho hay.
Để phục chế, việc tìm ra thành phần đúng như xưa, để không bị “vênh” so với nền cũ là công việc hết sức khó khănÔng Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam |
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Trưởng phòng Bảo quản (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), kho bảo quản của bảo tàng có thể nói tốt hơn nhiều so với mặt bằng chung trong nước với nhiệt độ, độ ẩm và máy điều hòa chạy suốt ngày đêm. "Tuy nhiên, điều kiện tốt nhất hiện nay của bảo tàng cũng chỉ có thể giữ cho tranh không xuống cấp thêm mà thôi”, ông Kiên cho biết.
Chờ duyên may hồi sinh
|
Nhiều tác phẩm trước đây được sáng tác với họa phẩm không tốt, thậm chí còn phải tận dụng họa phẩm để sáng tác. “Những tác phẩm như thế mình chỉ bảo dưỡng để giữ cho nó ổn định thôi chứ khi có những hư hại thì không thể cứu chữa được”, bà Hương cho biết. Ông Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ kỷ niệm về danh họa Lương Xuân Nhị - một người họ hàng của ông: “Từ thời Đông Dương, cụ Nhị đã dùng bột màu và nghiền dầu lanh để vẽ, rồi keo da trâu làm toan. Với thời tiết ở Việt Nam thì những họa phẩm đó cũng rất dễ xuống cấp”. Vì vậy, theo ông Đoàn: “Để phục chế, việc tìm ra thành phần đúng như xưa, để không bị “vênh” so với nền cũ là công việc hết sức khó khăn”.
|
Nói về việc nhờ chuyên gia nước ngoài phục chế những tác phẩm xuống cấp, bà Hương cho biết có khi chính chuyên gia nước ngoài cũng từ chối can thiệp: “Có những trường hợp cán bộ bảo tàng không dám làm, nhờ chuyên gia thì họ cũng chỉ ổn định bề mặt tác phẩm để không xuống cấp thêm, không hư hại thêm chứ không dám sửa chữa đến tận gốc. Phần nữa là nguyên vật liệu của mình là những thứ nhiều khi các cụ tự pha chế cho cả màu tự nhiên lẫn màu hóa chất, nên khó”. Việc mang ra nước ngoài cũng không bảo đảm sẽ “cứu” được tranh. “Có những tác phẩm họ nói mang sang bên đó cũng không chữa được. Chưa kể, quá trình vận chuyển có thể làm gia tăng hư hại. Có những tác phẩm họ bảo không nên vận chuyển”, bà Hương giải thích.
Mặc dù vẫn có tác phẩm được cứu ngay trong nước, như bức Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn được các chuyên gia Đức phục chế thành công, nhưng với những khó khăn kể trên, nhiều tác phẩm hiện giờ chỉ chờ duyên may. “Tranh lụa của cụ Phan Chánh như Hun thuyền, Đốn củi, Cô gái cưỡi bò qua sông phải nhờ người Nhật làm cho. Hồi đó may cụ Chánh có tài trợ của doanh nghiệp Nhật Bản. Phía Nhật cũng chọn tác giả thì mới làm”, ông Đoàn nói.
Bình luận (0)