'Mắng' với thái độ nhẹ nhàng
Nhân vật được nhiều bạn trẻ nhắc đến trong clip đó là một cô giáo của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Khi bắt gặp học sinh của mình sử dụng điện thoại trong lớp, cô giáo đã gọi học sinh lên, chỉ dạy bằng ngôn ngữ rất gần gũi, với thái độ nhẹ nhàng, hài hước nhưng vẫn giữ được sự nghiêm túc nhất định.
Cô giáo nói: “Em đừng nghĩ gì tới nó nữa hết, tập trung học. Nếu em đang học mà cứ để cái điện thoại bên cạnh, chút lại mở lên coi Facebook, chút lại coi đứa nào nhắn tin, em sẽ không tập trung được đâu. Tạm thời em đừng nghĩ gì tới nó hết, nghe. Em mà cứ ôm ôm cái điện thoại là không bao giờ em tập trung học được”. Sau đó, cô giáo vừa cười vừa nạt: “Học vầy sao mà 5 điểm trời, Huyền ơi là Huyền. Cô nói rồi, cô nói nghiêm túc đó. Kể cả lúc ở nhà. Bản thân mình phải tự ý thức chuyện đó, nghe. Em thi xong đi rồi ôm tối ngày cũng không ai nói gì em hết”.
Cách răn đe học sinh vi phạm của cô giáo trong clip đã làm học sinh không bị ức chế, ngược lại, học sinh đã chủ động trò chuyện với cô về bài học ngay sau đó với thái độ vui vẻ.
Biến điện thoại thành phương tiện hữu ích
Việc học sinh mang điện thoại vào lớp học, nhắn tin, chơi game, lướt Facebook đã khiến rất nhiều giáo viên “đau đầu”. Do thấy được việc sử dụng điện thoại di động ảnh hưởng tới việc tập trung nghe giảng, nên nó đã được đưa vào nội quy một số trường THPT. Có trường yêu cầu tắt điện thoại di động trước khi vào trường và chỉ mở sau khi ra khỏi trường, có trường quy định học sinh không được mang bất kỳ vật dụng gì không phục vụ cho việc học tập vào lớp như điện thoại di động, máy MP3, iPad, truyện...
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, Tiền Giang, cho biết: “Trường cũng cấm học sinh sử dụng điện thoại ngoài mục đích học tập trong lớp học. Nếu em nào vi phạm thì nhắc nhở. Vi phạm nhiều lần mới ghi vô sổ đầu bài rồi trao đổi lại với phụ huynh”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên dạy sử Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) cho rằng điện thoại di động là “thế giới riêng” của mỗi người, đôi lúc học sinh không thể rời điện thoại vì muốn vượt qua sự nhàm chán khi học một môn nào đó mà mình không thích. Tuy nhiên, nếu như vậy thì càng khiến học sinh mất tập trung, không thể tiếp thu bài, bỏ quên mất nhiệm vụ của mình đến trường là để học.
“Nếu bắt gặp học trò vi phạm như vậy tôi cũng sẽ tạm giữ điện thoại giao cho giáo viên chủ nhiệm hoặc hết giờ trả lại. Thật ra nếu biết sử dụng đúng cách thì điện thoại thông minh giúp ích rất nhiều cho các em. Vì vậy, tôi vẫn thường tận dụng nó để tổ chức các giờ thuyết trình, lúc đó các em sử dụng điện thoại để tìm kiếm tài liệu ngay tại lớp...”, ông Đăng Du chia sẻ.
Ở môi trường ĐH, sinh viên không bị quản lý quá chặt về việc này. Tuy nhiên, thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, nhìn nhận: “Do đặc thù môn mình dạy là ngoại ngữ kết hợp với nghiệp vụ nên nếu sinh viên không theo dõi thì sẽ không hiểu bài. Mình thường thiết kế bài giảng tương tác qua điện thoại di động với các trò chơi, các bài tập giải đáp bằng cách online... Cách này giúp các bạn sinh viên thấy bài học gần gũi về và có hứng thú khám phá hơn. Hơn nữa, điện thoại đã được sử dụng một cách hữu ích”.
Bình luận (0)