Hai ngày nay cộng đồng mạng chia sẻ liên tục hình ảnh một giảng viên chiếu lên màn hình máy chiếu dòng chữ: "Các bạn thân mến! Tôi biết các bạn thường xuyên nhắn tin trong lớp. Nghiêm túc mà nói, chẳng có ai nhìn xuống bẹn mình mà cười cả" để chấn chỉnh thực trạng sinh viên vào lớp mà chỉ chăm chú sử dụng điện thoại.
Bức ảnh này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, thu hút hàng chục ngàn lượt yêu thích, chia sẻ.
Hầu hết ý kiến bình luận đều cho rằng: “Thầy giáo này 'bá đạo' quá", “Phục sát đất giảng viên cao tay này”.
Thành viên Trung Anh viết: “Đúng là nhắc nhở bằng lời không ăn thua. Đưa lời nhắc nhở ra máy chiếu như thế này thì sinh viên nhìn vào sẽ thấy nhột và không dám sử dụng điện thoại trong lớp học nữa”.
Nhiều sinh viên khi xem ảnh này đã không khỏi bật cười và bình luận: “Thầy giáo này dễ thương và 'hay đáo để' đấy. Mình thích kiểu nhắc nhở khéo léo thế này. Chứ nhiều giảng viên dọa nạt, thậm chí thu điện thoại của sinh viên nhưng không giải quyết được vấn đề. Còn như thầy giáo này, sinh viên sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn, và chắc chắn sẽ không dám tái phạm”.
|
Trao đổi với Thanh Niên vào chiều 5.10, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, giảng viên Khoa Môi trường và Công nghệ Hóa, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cho biết mình chính là “thầy giáo với dòng tin nhắn nhắc nhở học trò trên máy chiếu”.
“Hình đó sinh viên chụp năm ngoái rồi. Nhưng không hiểu sao lại được đưa lên mạng hai ngày nay. Cũng nhờ vậy mà tôi nổi tiếng trên mạng luôn. Cũng thấy thú vị và mắc cười”, thạc sĩ Ánh kể.
“Lần đó, thấy sinh viên đang học mà cứ lo chăm chú sử dụng điện thoại, lướt Facebook, chat Zalo hoài nên nghĩ đến việc làm một slide với nội dung như trên, sau đó yêu cầu cả lớp nhìn lên màn hình máy chiếu. Tất cả sinh viên vừa thấy thái độ nghiêm khắc của tôi, vừa đọc nội dung trên màn hình, và rồi chấp hành nghiêm chỉnh”, thạc sĩ Ánh kể thêm.
Cũng theo thạc sĩ 31 tuổi này thì: “Kể từ dạo đó sinh viên vào tiết học không dám xài điện thoại mà chăm chú nghe giảng bài, học rất nghiêm túc. Nhiều lớp cũng có lẽ “ngại tôi” nên không sử dụng điện thoại làm việc riêng nữa. Nhờ vậy, sau lần đó, tôi không phải 'sô' slide nhắc nhở chấn chỉnh sinh viên nữa”.
Bình luận (0)