Chuyện ca khúc Tình đơn phương vừa được trả lại đúng tên tác giả lời Việt là nhạc sĩ Minh Tâm sau hơn 20 năm là một ví dụ. Về sự nhầm lẫn hy hữu này, ông Lý Hoàng Tuấn, Giám đốc HT Production (đơn vị giữ bản quyền ca khúc nhạc Hoa lời Việt này), cho biết gần đây khi xem lại giấy tờ để bổ sung thủ tục xin phép phần nhạc ngoại lời Việt cho sản phẩm của công ty, ông mới thấy bản nhạc viết tay Tự bạch (Tình đơn phương) của Minh Tâm, và đọc lại lời thì mới rõ đây là Tình đơn phương mà Đan Trường hát hơn 20 năm qua là của nhạc sĩ Minh Tâm, chứ không phải của Chu Minh Ký. Lý do, nhân viên đã nhầm lẫn khi lưu hồ sơ bởi lúc bấy giờ công ty ông đặt hàng các nhạc sĩ viết lời Việt cho ca khúc này và nhạc sĩ Chu Minh Ký cũng gửi một bản cùng tên Tình đơn phương. Ông Tuấn sau đó đã xin lỗi nhạc sĩ Minh Tâm cũng như gửi thông báo đến Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN và các đơn vị đang sử dụng ca khúc này để điều chỉnh tên tác giả.
Cũng vì nỗi niềm nhầm tên, ca sĩ Ngọc Sơn trong dịp gặp gỡ văn nghệ sĩ năm 2020, có nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên tham dự, đã quay clip về cuộc xác nhận của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên rằng ca khúc Yêu dân tộc Việt Nam là do Ngọc Sơn sáng tác chứ không phải của Nguyễn Văn Hiên như nhiều trang nhạc lẫn một số ca sĩ nhầm lẫn lâu nay. Một ca khúc khác bị nhầm tên tác giả hàng chục năm trời là Thương về miền Trung (sáng tác Châu Kỳ và lúc ra đời được ghi là Duy Khánh - tên người học trò ông và cũng là ca sĩ đầu tiên thể hiện bài này, nhưng bị nhầm thành Minh Kỳ). Đến khi con gái của nhạc sĩ Châu Kỳ chia sẻ trong chương trình Sol vàng số thực hiện về ông, mới rõ ngọn ngành. Đáng nói, hiện danh mục các bài hát phổ biến trên trang web của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) vẫn để tên tác giả bài Hẹn hò chỉ có thơ: Hoài Trinh, trong khi Hẹn hò do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác, có quyết định được phổ biến do Cục cấp từ năm 2008. Hay đến nay, ca khúc Xa vắng mà Tường Văn sáng tác vẫn bị một số ca sĩ ghi nhạc Hoa lời Việt; thậm chí còn có cả phiên bản lời Việt khác được viết từ nhạc ca khúc này.
Không chỉ nhầm tên tác giả, nhiều ca khúc khi được phổ biến cũng khiến chính chủ dở khóc dở cười vì bài mình sáng tác không phải tên đó. Bi hài nhất phải kể đến Đánh rơi bên hồ của nhạc sĩ Việt Anh. Ai từng nghe ca khúc này hẳn thấy lạ vì cả bài chẳng có... cái hồ nào, mà ngay câu đầu là “đi qua dòng sông...”. Thực ra, tên chính xác là Đánh rơi bên bờ, nhưng ai đó khi đánh máy từ bản viết tay của nhạc sĩ, nhầm chữ “bờ” là “hồ”, và rồi nó được hát... sai như thế tới nay. Một bài hát nổi tiếng khác hiện phổ biến với tên chưa đúng là Thà như giọt mưa, trong khi tên chính xác theo văn bản nhạc sĩ Phạm Duy (lúc sinh thời) gửi cho đơn vị xin phép phổ biến là Thà là giọt mưa... rớt trên tượng đá.
Có không ít lý do dẫn đến chuyện “nhầm lẫn” trên, ngay cả khi người trong cuộc đã lên tiếng vẫn chưa được trả lại đúng tên. Dù chủ quan hay khách quan, dù tiền tác quyền đã trao về đúng địa chỉ sau khi rộng đường dư luận, nhưng như nhiều nhạc sĩ lên tiếng, việc tìm hiểu để ghi chính xác tên ca khúc, nhạc sĩ khi giới thiệu đến công chúng vẫn là điều cần và nên làm đầu tiên của người biểu diễn, nhất là trong thế giới phẳng như hiện nay.
Bình luận (0)