Lần đầu tiên trong lịch sử một nữ vận động viên điền kinh đã chiến thắng Liên đoàn Điền kinh thế giới trong một vụ án giới tính thể thao đình đám. Đó là Dutee Chand.
Dutee Chand với nụ cười chiến thắng
|
Người ta bất quá chỉ biết tỏ ra thương cảm khi thấy ngôi sao điền kinh Ấn Độ Santhi Soundarajan trở thành một công nhân nghèo, lĩnh lương khoảng 100 USD/tháng kể từ khi bị tước HCB ASIAD 2006. Người phụ nữ Tamil đầu tiên trong lịch sử có huy chương ASIAD thậm chí đã suýt tự tử khi bị Hội đồng thể thao châu Á (OCA) kết luận là... nam và bị tước mọi vinh quang trong thể thao. Người ta cũng chỉ biết chờ đợi suốt một thời gian dài để biết Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) rút cuộc cũng phải công nhận ngôi sao Nam Phi Caster Semenya là... nữ. Giống như Semenya hoặc Soundarajan, Dutee Chand cũng làm báo chí tốn nhiều giấy mực bởi tranh cãi “nam hay nữ” trong thể thao đỉnh cao. Khác biệt ở chỗ, ngôi sao trẻ này không hề cam chịu, không phó thác số phận của mình cho các nhân vật quan liêu trong giới điều hành thể thao. Cô đã kiện ngược và trở thành VĐV đầu tiên trong lịch sử chiến thắng IAAF ở tòa án, trong một vụ án giới tính thể thao đình đám.
Dutee là nữ VĐV Ấn Độ đầu tiên lọt vào đợt chạy chung kết 100 m ở một giải điền kinh có quy mô toàn cầu (giải trẻ thế giới 2013). Rồi cô đoạt chức VĐQG ở các cự ly 100 m, 200 m, đoạt HCB 200 m tại giải vô địch châu Á 2013. Cả làng thể thao Ấn Độ hào hứng chờ xem những điều kỳ diệu tiếp theo cho niềm hy vọng mang tên Dutee Chand tại Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung (Commonwealth Games) 2014, và xa hơn một tí là Olympic 2016 tại Brazil. Năm nay, Dutee mới 19 tuổi và vẫn tiến bộ đều đặn về thành tích chuyên môn. Nhưng, giấc mộng vàng đột nhiên tan vỡ khi ngôi sao trẻ Ấn Độ đọc báo và biết mình đã bị loại khỏi Commonwealth Games, ngay trước ngày khai mạc đại hội. Không những thế, cả một sự nghiệp thể thao của Dutee cũng coi như khép lại, khi người ta kết luận cô là... nam. Ác nghiệt ở chỗ: người ta lạnh lùng kết luận Dutee là nam trong hoàn cảnh bản thân cô không có quyền lên tiếng, thậm chí cũng chẳng hề được thông báo câu nào.
Bác sĩ Payoshni Mitra, một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu giới tính, là người đầu tiên bước ra bênh vực Dutee. Làm sao những quý ông đầy học thức lại có thể cư xử như thế với một VĐV trẻ? (Vâng, Dutee cần được xử sự theo một cách khác, thay vì chỉ biết chính mình là nam hay nữ qua mặt báo). Bác sĩ Mitra xem lại toàn bộ hệ thống luật của IAAF, nhất là phương pháp xác định giới tính của nơi này. Bà nhìn ra được những chỗ có thể gọi là “khoa học kém cỏi” và tự tin bảo vệ Dutee. Được sự khuyến khích của Mitra, Dutee không khiếu nại, kêu oan hay quỵ lụy gì trước các quan chức, những vị tiến sĩ này nọ. Cô đệ đơn thẳng lên Tòa án Thể thao quốc tế (CAS). Cuối tháng 7 vừa qua, CAS đã ra một phán quyết phần nào gây chấn động làng thể thao đỉnh cao. Dutee có quyền tiếp tục thi đấu như mọi VĐV nữ bình thường và mọi quyết định phủ nhận thành tích của cô do IAAF ban hành đều phải hủy bỏ.
Một cách tổng thể, IAAF (đúng hơn là các chuyên gia y tế của IAAF) kiểm tra giới tính các nữ VĐV bằng một quy định mang tên hyperandrogenism. Theo quy định này, Dutee “không được làm nữ” vì cơ thể cô có một lượng kích thích tố nam cao đến mức độ thường chỉ có ở nam giới. CAS không hề kết luận Dutee là nam hay nữ. Họ chỉ dựa vào logic thông thường để sổ toẹt phương pháp kiểm tra giới tính cũng như quy định về giới tính của IAAF. Bảo Dutee có lượng kích thích tố nam “thường chỉ có ở nam giới” thì có khác gì bảo Dutee “trông rất giống nam giới”? Khác chăng chỉ là tiểu tiết: một đằng là chi tiết khoa học, một đằng là dung mạo bên ngoài. Nhưng cái “chi tiết khoa học” kia đâu có dẫn đến kết luận rằng Dutee chắc chắn không phải là nữ. Các khoa học gia mà IAAF tin cậy và giao phó việc soạn thảo quy định về giới tính hóa ra lại ngây ngô về luật học.
Một mặt, CAS phán quyết: Dutee phải được công nhận là nữ, cho đến khi nào IAAF có được những bằng chứng mới, rõ ràng và thuyết phục hơn, để chứng minh cô là nam. Mặt khác, phiên tòa trong tháng 7 vừa qua còn buộc IAAF thay đổi cả phương pháp xét nghiệm lẫn quy định về giới tính. Trong vòng 2 năm, nếu IAAF không đưa ra được cơ sở nào thuyết phục hơn để bảo vệ phương pháp xét nghiệm giới tính như lâu nay vẫn dùng, thì phương pháp ấy mặc nhiên phải bị bãi bỏ. Làm thế nào để có cách xét nghiệm tốt hơn thì đấy là việc của IAAF, của các nhà khoa học, chứ không phải việc của Dutee Chand hay của tòa án.
Bình luận (0)