Báo cáo tại hội nghị tổng kết năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 sáng 4.1, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đạt sản lượng hơn 8.400 tỉ đồng, doanh thu gần 8.200 tỉ đồng, thu nhập bình quân người lao động 9,12 triệu đồng/tháng.
Tuy sản lượng và doanh thu duy trì được ở mức bằng so với năm ngoái nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra, tất cả các chỉ tiêu về sản lượng vận tải đều không đạt kế hoạch, vận tải hành khách có hệ số sử dụng chỗ thấp và giảm so với cùng kỳ.
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và quản lý sử dụng đất chưa được giải quyết đã ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.
Đặc biệt, theo ông Minh, sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ với nhiều đường bay mới và cự ly ngắn và trung bình vốn là lợi thế của vận tải đường sắt và đường bộ cao tốc đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn và làm giảm thị phần vận tải đường sắt. Áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với đường biển và đường bộ về vận tải hàng hóa...
Trong khi đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2019 không được giao vì vướng cơ chế nên một số điểm hạn chế tải trọng chưa được giải quyết; vốn sự nghiệp kinh tế dành cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn chỉ đạt có 40% gây nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt...
Do ảnh hưởng của đô thị hóa, một số địa phương đề xuất di dời ga đường sắt ra khỏi các đô thị lớn, hạn chế tải trọng xe trên các đường bộ ra vào bãi hàng làm phát sinh chi phí vận chuyển 2 đầu, thời gian vận chuyển kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải.
Cũng theo lãnh đạo đường sắt, do đặc thù kết cấu hạ tầng và nhà ga đều của nhà nước nên VNR không thể bỏ tiền để sửa chữa. Đơn cử như hệ thống cầu đường ở ga Sông Lũy, chỉ cần khoảng hơn 30 tỉ đồng sửa chữa và chỉ một năm sau đó sẽ thu về cả trăm tỉ đồng nhưng không thể triển khai do do vướng cơ chế.
Bình luận (0)