Cao tốc Bắc - Nam
Cao tốc Bắc - Nam với 11 dự án thành phần (8 dự án PPP và 3 dự án vốn đầu tư công) được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52/2017 tháng 11.2017.
Tháng 10.2018, Bộ GTVT đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần, tổng chiều dài toàn tuyến 654,3 km, tổng mức đầu tư hơn 102.000 tỉ đồng, trong đó có 50.800 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước và 51.700 tỉ đồng vốn huy động của nhà đầu tư.
Tháng 5.2019, Bộ GTVT phát hành quốc tế hồ sơ mời sơ tuyển toàn bộ 8 dự án thành phần cho các nhà đầu tư, thu hút 60 nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế tham gia. Vì nhiều lý do, Bộ GTVT sau đó đã huỷ kết quả sơ tuyển và sơ tuyển lại với các nhà đầu tư trong nước vào tháng 10.2019. Các ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT đang chấm vòng sơ tuyển (30 nhà đầu tư trong nước), giữa tháng 2 sẽ công bố kết quả. Nếu đấu thầu vòng 2 thuận lợi, 8 dự án thành phần PPP cao tốc Bắc - Nam có thể được khởi công trong nửa sau của năm 2020.
|
Sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
Cuối tháng 11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành với 435/455 đại biểu tán thành. Theo đó, Quốc hội đồng ý đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm trong giai đoạn 1 của sân bay Long Thành. Tuy nhiên, Quốc hội không chỉ định thầu, lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Hiện, Bộ GTVT đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Nếu đề xuất này được các bộ, ngành liên quan đồng thuận và Chính phủ phê duyệt, 2 dự án sân bay giải toả cho “nút thắt” Tân Sơn Nhất có thể sớm được khởi động.
|
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tiếp tục lỡ hẹn với năm 2019, dù đã hoàn thành gần 100% khối lượng, chỉ còn khâu nghiệm thu. Được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2008, chính thức khởi công tháng 11. 2011, với tổng vốn gần 8.800 tỉ đồng (khoảng 553 triệu USD, trong đó 400 triệu USD là vốn vay Trung Quốc). Tổng mức đầu tư sau đó được điều chỉnh lên trên 18.000 tỉ đồng (868 triệu USD) vào năm 2016, phần vốn vay Trung Quốc tăng lên 669,6 triệu USD.
Sau 7 năm chính thức thi công, dự án Cát Linh - Hà Đông đã chậm tiến độ hơn 4 năm so với mục tiêu ban đầu, trách nhiệm chính được chỉ ra do tổng thầu Trung Quốc, Bộ GTVT và Ban quản lý dự án đường sắt. Nếu tổng thầu hoàn thành nghiệm thu hệ thống và vận hành thử 20 ngày theo quy định thành công, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thể được chính thức vận hành trong năm 2020.
Ngoài Cát Linh - Hà Đông, tất cả các dự án đường sắt đô thị thuộc Hà Nội và TP.HCM đều chậm tiến độ. Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội tiến độ chung mới đạt trên 63%, dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022. Ngoài ra, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi hiện vẫn chưa thể triển khai. 2 dự án đường sắt đô thị TP.HCM cũng chậm tiến độ, phải điều chỉnh vốn là tuyến Bến Thành - Suối Tiên và tuyến Bến Thành - Tham Lương.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bến Lức - Long Thành
2 tuyến cao tốc kết nối về miền Tây Nam bộ này đều đang chậm tiến độ, tính đến tháng 11.2019, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành mới đạt hơn 77%, còn dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ 27% so với kế hoạch, đều do thiếu vốn kéo dài. Tuy nhiên, tín hiệu vui với dự án cao tốc kéo dài 10 năm Trung Lương - Mỹ Thuận là các ngân hàng tài trợ vốn đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân hơn 6.600 tỉ đồng vào giữa tháng 12 vừa qua, giúp dự án có thể đạt mục tiêu thông tuyến cuối năm 2020.
Bình luận (0)