Dự án sân bay Long Thành: Tư nhân đầu tư, liệu có rẻ hơn?

Mai Hà
Mai Hà
18/11/2019 06:25 GMT+7

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay, theo mô hình hợp tác công - tư, thay vì chỉ giao cho ACV thực hiện là điều cần tính tới khi thực hiện dự án sân bay Long Thành.

Bộ GTVT ủng hộ giao cho ACV đầu tư sân bay Long Thành vì nhiều lý do, như một sân bay trọng điểm về an ninh quốc gia cần giao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước thực hiện, hay mô hình một cảng hàng không - một nhà khai thác... ACV cũng khẳng định đủ khả năng và tiềm lực tài chính để thực hiện sân bay Long Thành.
Trên thực tế, với số vốn đầu tư lớn, Long Thành là “miếng bánh ngon” mà cả ACV và các nhà đầu tư tư nhân đều đang khao khát. Vấn đề đặt ra với một dự án trọng điểm quy mô lớn như Long Thành là tại sao Bộ GTVT lại đặt đầu bài chỉ định thầu mà không tính tới đấu thầu trong nước, bởi nhiều nhà đầu tư lớn đủ tiềm lực kinh tế để thực hiện dự án.
Theo TS Vũ Đình Ánh, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, vấn đề then chốt của Long Thành là không được chỉ định thầu, giao dự án cho ACV đầu tư mà phải đấu thầu. “Khi chúng ta đặt đầu bài không chuẩn ngay từ đầu thì việc tranh cãi suất đầu tư đắt hay rẻ đều không chuẩn xác. ACV và tư vấn do ACV thuê nói đắt là đắt, nói rẻ là rẻ, không đủ cơ sở để thẩm định”, TS Ánh nói.
Ông Ánh phân tích, về nguyên tắc một dự án trọng điểm kéo dài nhiều năm và có quy mô tầm cỡ như Long Thành, bắt buộc phải đấu thầu chứ không thể chỉ định thầu. Dự án cao tốc Bắc - Nam có quy mô nhỏ hơn nhiều Long Thành cũng vẫn tính tới chuyện đấu thầu trong nước, thì không lý gì Long Thành lại không tiến hành đấu thầu. Đây là cơ sở so sánh về giá hiệu quả nhất, mà nếu ACV đầy đủ kinh nghiệm và tiềm lực tài chính, không lý gì không thể tham gia đấu thầu, cạnh tranh sòng phẳng.
Trước đó, trong kết luận thanh tra với ACV năm 2018 (thanh tra giai đoạn từ tháng 3.2012 đến tháng 12.2016), Bộ GTVT cũng đã chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý đầu tư xây dựng của ACV, đặc biệt doanh nghiệp này cũng để xảy ra nhiều tồn tại khi khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt dự án.
Cụ thể, chất lượng công tác khảo sát, thẩm định phê duyệt một số dự án còn hạn chế, nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, thay đổi so với hồ sơ thiết kế cơ sở, bổ sung một số hạng mục dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện...; như dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Chưa kể, tuy thiết kế cơ sở tính toán trên cơ sở quy hoạch được duyệt, nhưng chưa dự báo đầy đủ lưu lượng khách.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, đây là các vấn đề cần lưu ý, đặc biệt trong trường hợp dự án sân bay Long Thành được giao cho ACV thực hiện. Lý do đây là dự án có quy mô lớn hơn rất nhiều lần các dự án ACV từng thực hiện trước đây, thời gian thực hiện 3 giai đoạn dự án lại kéo dài hơn 10 năm.
Nếu không tính chặt chẽ, quy mô đầu tư Long Thành có nguy cơ “phình to” hơn con số 16 tỉ USD hiện nay rất nhiều. Vì thế, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay, theo mô hình hợp tác công - tư, thay vì chỉ giao cho ACV thực hiện là điều cần tính tới khi thực hiện dự án sân bay Long Thành.
Nếu đấu thầu công khai, nếu ACV đưa ra được mức giá thấp hơn, hiệu quả hơn thì việc ACV thực hiện dự án sân bay Long Thành sẽ không còn ý kiến tranh cãi nào như hiện nay. Mặt khác, khi làm bài thầu, mọi chi phí nhà đầu tư, có thể là ACV, có thể là doanh nghiệp tư nhân khác, sẽ phải tiết giảm ở mức tối đa nhất, chứ không tính khái toán “rộng rãi” như hiện nay.
TS Vũ Đình Ánh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.