Bị ho ra máu 'sét đánh', người đàn ông ngưng thở suýt chết

Đình Tuyển
Đình Tuyển
18/02/2021 18:09 GMT+7

Sau cơn ho “trời giáng” như sét đánh, máu hộc ra ồ ạt, bệnh nhân rơi vào tình trạng choáng váng rồi ngưng thở, tưởng không qua khỏi.

Ho hộc máu, ngưng thở

Người đàn ông được cứu sống sau khi ho ra máu sét đánh

Chiều 18.2, bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ bệnh viện vừa cứu sống một trường hợp ho ra máu "sét đánh”, có nguy cơ tử vong rất lớn khi biến chứng ngưng tuần hoàn.
Trước đó, bệnh nhân là ông C.T.M (58 tuổi, ngụ TX.Bình Minh, Vĩnh Long), nhập viện cấp cứu vì nôn ra máu, tiêu phân đen.
Bệnh nhân được nhập viện ở Khoa Nội Tiêu hóa - Huyết học, theo dõi tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Sau đó, bệnh nhân được nội soi dạ dày tá tràng cấp cứu nhưng không phát hiện tổn thương. Tuy nhiên, vào chiều tối cùng ngày nhập viện, bệnh diễn tiến đột ngột, bệnh nhân ho mạnh, ho ra máu ồ ạt không cầm được.
Bệnh nhân ngưng hô hấp tuần hoàn, huyết áp không đo được. Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành hồi sức ngưng hô hấp tuần hoàn, khai thông đường thở bằng cách đặt ống nội khí quản hút máu trong đường thở, thở máy xâm lấn, bù thể tích tuần hoàn...
Sau 15 phút cấp cứu, bệnh nhân có nhịp tim trở lại. Lúc này, bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện. Trong vòng 15 phút, hàng chục bác sĩ các chuyên khoa đã có mặt để hội chẩn và đưa ra hướng xử trí.
Qua hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán bị ho ra máu "sét đánh" biến chứng ngưng hô hấp tuần hoàn/di chứng lao phổi. Sau khi xem xét, đánh giá tình hình, các bác sĩ quyết định can thiệp xử lý nội mạch bằng kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu BAE.

Hình ảnh động mạch phế quản bệnh nhân trước khi được can thiệp nút mạch cầm máu

Ảnh: Đình Tuyển

Ê kíp gồm BS.CK1 Trần Công Khánh, Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh, đã thực hiện can thiệp nút tắc động mạch phế quản. Kết quả ghi nhận nhiều nhánh tăng sinh động mạch phế quản phổi phải xuất phát từ động mạch ngực trong phải, ca can thiệp tắc mạch cầm máu thành công sau 45 phút.
Sau can thiệp, các mạch máu động mạch phế quản gây tình trạng xuất huyết đã được nút lại kịp thời. Bệnh nhân qua cơn nguy kịch và được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp tục điều trị nội khoa tích cực.
Tới chiều 18.2, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện đúng y lệnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, tình trạng ho ra máu đã hết, đang cai máy thở.

Điều trị ho ra máu "sét đánh"

Theo TS.BS Cao Thị Mỹ Thúy, Trưởng khoa Nội Hô hấp, ho ra máu "sét đánh" là tình trạng bệnh diễn biến đột ngột, nhanh, mạnh choáng váng như sét đánh, máu có thể ộc ra ồ ạt không cầm được, máu chảy đóng đông thành từng cục gây bít tắc đường thở, sẽ dẫn đến suy hô hấp cấp trong thời gian ngắn, trụy tuần hoàn và có thể tử vong”.

Hình ảnh động mạch phế quản bệnh nhân đã được can thiệp cầm máu

Ảnh: Đình Tuyển

Xử trí ho máu rất nặng và ho máu “sét đánh”, việc quan trọng nhất là giải phóng đường thở bằng đặt nội khí quản hút máu trong đường thở, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong ngay lập tức. Việc làm này cần tiến hành song song với truyền máu và gây tắc động mạch phế quản cấp cứu mới hy vọng cứu sống bệnh nhân.
Cũng theo BS Thúy, ho ra máu là triệu chứng lâm sàng nguy hiểm hay gặp và tỉ lệ tử vong cao (thậm chí trong vòng vài giờ). Việc cầm máu bằng thuốc nhiều khi không đem lại hiệu quả cao, trong khi đó việc cầm máu bằng nội soi và phẫu thuật đôi khi rất hạn chế và thời gian kéo dài.
Hiện nay, nút động mạch phế quản điều trị ho ra máu là phương pháp mới và đang được ứng dụng rộng rãi. Với nhiều trung tâm lớn, đây là phương pháp đầu tay cho cầm máu trong bệnh cảnh ho ra máu, cải thiện triệu chứng nhanh chóng và hiệu quả, ít xâm lấn.
“Ngay ở bệnh viện, nhờ triển khai kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản đã có nhiều trường hợp ho ra máu "sét đánh" được cứu sống một cách ngoạn mục. Đây là điều rất ý nghĩa khi trước đây, tỉ lệ tử vong trong ho ra máu sét đánh lên tới trên 90%”, BS Thúy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.