Bị khô miệng thường xuyên gây hại thế nào với sức khỏe?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
13/03/2022 14:15 GMT+7

Khô miệng là tình trạng khá phổ biến. Khô miệng kéo dài sẽ dẫn đến một số vấn đề sức khỏe , thậm chí là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiềm ẩn.

Khô miệng kéo dài sẽ gây nứt môi, hôi miệng và khô họng. Vì môi trường trong miệng bị khô nên sẽ dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như khó nói, khó nuốt và nhai thức ăn, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Khô miệng kéo dài sẽ gây hôi miệng, sâu răng, khó nhai nuốt thức ăn

SHUTTERSTOCK

Khi bị khô miệng, nhiều người thường phớt lờ và không thực sự quan tâm đến tình trạng này. Khô miệng thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh răng miệng, không chỉ khiến hơi thở có mùi mà còn dễ gây sâu răng, bệnh nướu răng và các vấn đề răng miệng khác. Ngoài ra, khó nhai nuốt do khô miệng sẽ khiến người mắc chán ăn và dễ gây thiếu hụt dinh dưỡng.

Nguyên nhân gây khô miệng là do thiếu nước bọt. Các tuyến nước bọt trong miệng là một phần quan trọng với sức khỏe răng miệng. Nước bọt giúp làm ẩm miệng, đồng thời hỗ trợ quá trình tiêu hóa, ngăn ngừa sâu răng và kiểm soát vi khuẩn. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến nước bọt tiết ra quá ít.

Với nhiều người, thuốc tây là nguyên nhân chính gây khô miệng. Các loại thuốc như thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi, thậm chí cả thuốc huyết áp cũng có thể gây khô miệng.

Những người đang điều trị ung thư bằng các biện pháp như hóa trị, xạ trị cũng có thể bị khô miệng. Các phương pháp điều trị này gây thay đổi lượng nước bọt tiết ra trong miệng.

Ngoài ra, khô miệng còn có thể do uống quá ít nước, hút thuốc lá hoặc mắc một số loại bệnh như Alzheimer và hội chứng Sjogren, một loại bệnh tự miễn ảnh hưởng đến các tuyến ngoại tiết như tuyến lệ, nước bọt.

Để giúp ngăn ngừa khô miệng, mọi người có thể ngậm kẹo không đường và hạn chế thở bằng miệng. Nếu khô miệng kéo dài thì cần đến bác sĩ kiểm tra để xem có đang mắc các bệnh tiềm ẩn nào không, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.