Nguyên nhân của bi kịch này bắt nguồn từ việc duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng đã lỗi thời.
Tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp, xuất khẩu nguyên liệu thô hay ưu đãi tràn lan để thu hút vốn ngoại... lẽ ra chỉ nên áp dụng trong giai đoạn đầu đổi mới kinh tế. Khi nguồn lực về mọi mặt còn quá hạn hẹp, chúng ta buộc phải chấp nhận trả giá, thậm chí là hy sinh để "lấy đà" cho giai đoạn bứt phá sau đó. Chỉ tiếc rằng dù vào cuộc với tâm thế như vậy nhưng chúng ta lại duy trì quá lâu mô hình đã lỗi thời này.
Còn nhớ cách đây cả thập kỷ, ngành công nghiệp dệt may, da giày đã bàn kế thoát kiếp gia công, đã lên kế hoạch xây dựng công nghiệp hỗ trợ đi kèm để tự chủ về nguyên liệu, nâng cao giá trị mang về cho xứng tầm với quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu dệt may. Nhưng đến nay, các ngành này vẫn chủ yếu là giải quyết lao động, lấy công làm lời, lợi nhuận mang về cực kỳ khiêm tốn so giá trị xuất khẩu.
Cũng từ rất lâu, chúng ta đã bàn chiến lược xây dựng thương hiệu cho các nông sản hàng đầu như gạo, tiêu, điều, cà phê... nhưng đến tận lúc này, chúng ta vẫn giữ nguyên quy trình trồng, thu hoạch rồi bán thô nguyên liệu. Thế là dù có lợi thế về vùng nguyên liệu, lợi thế về khí hậu, dù vẫn tăng số lượng xuất khẩu... nhưng VN vẫn chưa tạo ra được một thương hiệu nông sản uy tín nào trên bản đồ xuất khẩu nông sản thế giới.
Không chỉ vậy, việc xuất thô nông sản còn kéo theo đằng sau đó sự bấp bênh của cả nền nông nghiệp, kéo theo số phận bấp bênh của người nông dân với nghịch lý được mùa mất giá, trồng chặt - chặt trồng.
Trong lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tương tự, ưu đãi thu hút vốn ngoại cho các ngành thâm dụng lao động, những ngành trong nước chưa đủ vốn để đầu tư được áp dụng luôn cho giai đoạn mà mục tiêu là ưu tiên cho các ngành thâm dụng công nghệ, chất xám, giá trị gia tăng. Hệ quả là ở nhiều ngành, nghề, vốn ngoại tràn vào ép doanh nghiệp nội. Cộng với khủng hoảng kinh tế, hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong nước đã âm thầm rời khỏi thị trường vì cạnh tranh không nổi...
Có lợi thế về nông nghiệp nhưng người nông dân vẫn quanh năm nghèo khó; định hướng công nghiệp hóa nhưng cái ốc vít cũng phải nhập khẩu... Việc duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng theo bề rộng mà không theo chiều sâu đang tạo cho chúng ta những "người khổng lồ", phình bụng nhưng yếu chân. Chỉ cần một sự va chạm nhẹ, chỉ cần một con sóng nhỏ cũng có thể khiến họ có thể đổ kềnh.
Đã có quá nhiều giải pháp được đề xuất, được phê duyệt để "gia cố" đôi chân của "người khổng lồ" cho tương xứng với thân hình, giúp "người khổng lồ" có thể bắt kịp với sự mở cửa của kinh tế trong nước cũng như sự vận động của kinh tế toàn cầu. Tại thời điểm này, có một thuận lợi lớn là Chính phủ đang quyết liệt tái cấu trúc kinh tế và mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ hàng đầu. Vấn đề còn lại là tốc độ, chương trình hành động, sự dứt khoát trong tư tưởng thực hiện để "người khổng lồ" thực sự khỏe mạnh, thực sự hiệu quả, thực sự là động lực kéo nền kinh tế VN vào sâu hơn với kinh tế thế giới.
Nguyên Khanh
>> ‘Người khổng lồ’ chân đất sét - Kỳ 4: Cà phê nhiều nhưng không tinh
>> 'Người khổng lồ' chân đất sét - Kỳ 3: Công nghiệp điện tử vay mượn
>> 'Người khổng lồ' chân đất sét - Kỳ 2: Dệt may 'lượm' bạc cắc
>> ‘Người khổng lồ’ chân đất sét
Bình luận (0)