Bi kịch và tự hào Lê Văn Duyệt

28/08/2016 15:20 GMT+7

Người Sài Gòn mà không biết Tả quân Lê Văn Duyệt quả là một khiếm khuyết. Chỉ cần hai tiếng đồng hồ thôi, sân khấu đã tái hiện gần như thuyết phục một con người lẫm liệt, công lao với mảnh đất Sài Gòn - Gia Định. Bao nhiêu nước mắt đã rơi. Bao nhiêu pháo tay đã vang khắp khán phòng…

Xuân Trúc (trái, vai vua Gia Long) và Trung Thảo (vai Lê Văn Duyệt)
Không thể ngờ Nhà hát Bến Thành cả ngàn khán giả lại vỡ òa trong một đêm mưa gió. Đêm 26.8, TP.HCM ngập trong biển nước, đến sân bay Tân Sơn Nhất mà còn thê thảm. Vậy mà khán giả vẫn lội mưa đi xem cho bằng được tấn bi kịch của Tả quân Lê Văn Duyệt. Rồi đêm sau nữa, vở Trung thần diễn thêm một suất, lại đầy kín khán giả. Không nghỉ giải lao, họ vẫn ngồi suốt. Họ khóc. Họ vỗ tay. Và màn nhung khép lại thì họ không vội ra về, mà đứng tụm lại với nhau ngoài cổng để “nói” cho “đã” những rung cảm vừa trải qua.
Lâu lắm, cải lương mới có một không khí như thế. Không khí của cái đẹp, chuẩn mực, kiệt sức. Nghệ sĩ kiệt sức cho vai diễn, nhưng lửa từ họ cứ hừng hực "cháy", cuốn hết trái tim khán giả. Kịch bản hoàn toàn mới, nghệ sĩ trẻ không bị cái bóng nào của bậc lão thành che lấp, cho nên mới thấy họ giỏi. Giỏi trong giọng ca, giỏi trong vũ đạo, trong diễn xuất. Với những nội tâm tinh tế, những bi kịch gai góc, những bất khuất, trung cang, đau đớn, phẫn uất, vò xé… phải diễn thật hết mình mới ra nhân vật. Lê Trung Thảo, Lê Tứ, Điền Trung, Võ Minh Lâm, Minh Trường, Tú Sương, Thanh Thảo, Xuân Trúc, Hải Long… đều từng đoạt giải Trần Hữu Trang hoặc Chuông vàng Vọng cổ, quả không phụ lòng khán giả.
Điền Trung (vai Hữu quân Lê Chất) và Thanh Thảo (vai Vương phi Mỹ Lan)
Và bàn tay của đạo diễn Hoa Hạ đã dựng nên một tác phẩm đẹp từ bố cục cho đến tạo hình. Thực ra, chính chị đã viết kịch bản này, muốn để cho NSưT Thành Lộc diễn vai Tả quân Lê Văn Duyệt. Nhưng tác giả Hoàng Song Việt đã chuyển thể thành cải lương, diễn trước, vì cải lương đang cần kịch bản hay như thế.
Tài hoa của Hoàng Song Việt đã thả vào đó những bài bản, ca từ nghe đến xao lòng. Đặc biệt bài chòi Bình Định đặt đúng lớp diễn đau thương của Hữu quân Lê Chất khiến người mộ điệu bất ngờ. Không vỡ òa sao được. “Chơi” cải lương kiểu như thế thì say đắm ngất ngây. Thấy cải lương vừa rất truyền thống, lại vừa rất mới, vừa nhẩn nha tự sự, vừa nhanh gọn tiết tấu như kịch, rất thôi thúc, rất hiện đại. Người già không bắt bẻ được, mà người trẻ cũng bị cuốn hút. Phải chăng cải lương của hôm nay cần một mô hình như vậy?
Hội Sân khấu TP.HCM đã làm đúng vai trò tiên phong của mình. Và sân khấu IDECAF đã hỗ trợ phần tổ chức biểu diễn. Hai đơn vị đang sát cánh bên nhau trong dự án Tôi yêu cải lương, sẽ biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Bến Thành.
Vở Trung thần kể về Tả quân Lê Văn Duyệt, từng cứu vua Gia Long trên đường chạy trốn Tây Sơn, và sau này được vua phong chức quan rất cao ở triều đình Huế, là Tả quân, bên cạnh Hữu quân Lê Chất và Trung quân Nguyễn Văn Thành. Sau, vua Gia Long còn giao cho Lê Văn Duyệt chức Tổng trấn Gia Định. Gia Long băng hà, vua Minh Mạng lên nối ngôi, Lê Văn Duyệt vẫn là Tổng trấn Gia Định, nhưng bi kịch bắt đầu…
Lê Văn Duyệt đã dẹp yên các thế lực giặc cỏ, đồng thời mở mang kinh tế miền Nam, bảo vệ người Công giáo được sống yên ổn và người Minh Hương đến lập nghiệp. Nhân dân thương kính ông vô cùng. Nhưng nhiều quan bên dưới vẫn ỷ thế triều đình mà hiếp đáp dân lành, tham nhũng của công. Trong đó có Huỳnh Công Lý, cha của Vương phi Mỹ Lan đang được vua Minh Mạng sủng ái. Lê Văn Duyệt đã xử trảm Huỳnh Công Lý, không để cho vua và vương phi kịp bao che. Lê Văn Duyệt đã đứng về phía nhân dân, nhưng mối thù đã khoét sâu với triều đình. Và ông đã chết vì kiệt sức khi trải qua bao nhiêu gánh nặng với nước với dân, mà bên cạnh đó còn phải nhọc tâm đối phó với sự theo dõi, gièm xiểm của bọn gian thần và triều đình. Sau khi ông mất, vua còn cho quật mộ ông lên, san bằng, gọi là trị tội.
Thực ra bi kịch trong vở không chỉ riêng với Lê Văn Duyệt, mà đã xảy ra với Trung quân Nguyễn Văn Thành và Hữu quân Lê Chất. Họ đều dày công hạng mã với triều đình, nhưng khi hòa bình rồi thì lại bị chết oan vì gian thần hãm hại. Những cái chết bi hùng, dù tức tưởi nhưng rất đẹp. Khán giả hôm nay ngồi ôn lại sử, thấy lòng như ai xé ai bào, thấy nước mắt nóng hổi rơi trên từng nhịp đờn nhịp phách… Hai tiếng đồng hồ “học sử”, cũng gọi là đủ cho Sài Gòn - Gia Định 300 năm…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.