'Bí kíp' để có sức khỏe tốt trong mùa thi

Thanh Nam
Thanh Nam
30/05/2023 09:10 GMT+7

Thí sinh 2k5 sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi học sinh. Bên cạnh việc nắm vững kiến thức thì thí sinh cần đảm bảo một sức khỏe tốt.

Sáng 29.5, trong chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề "Sức khỏe tốt điểm sẽ cao", thí sinh (TS) đã được bác sĩ, thủ khoa và tình nguyện viên giải đáp, tư vấn "từ A - Z" những thắc mắc về vấn đề sức khỏe mùa thi.

Cần đảm bảo đủ chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy, bác sĩ tại phòng khám dị ứng và miễn dịch lâm sàng, giảng viên bộ môn sinh lý - sinh lý bệnh - miễn dịch của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhìn nhận vào mỗi kỳ thi sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất với TS.

Tiếp sức mùa thi: 'Bí kíp' để có sức khỏe tốt trong mùa thi - Ảnh 1.

Bác sĩ Phạm Lê Duy (giữa), thủ khoa Thị Hương (trái) và tình nguyện viên Hồ Thị Xuân Bình trả lời các câu hỏi của học sinh

NVCC

Theo bác sĩ Duy, TS nên đảm bảo đủ về dinh dưỡng, nghỉ ngơi và đặc biệt là giấc ngủ trong mùa thi.

"TS nên ăn nhiều tinh bột, vì tinh bột sẽ chuyển thành đường giúp não và cơ thể hoạt động tốt. Đặc biệt là não sử dụng đường rất nhiều. Tinh bột thường có trong bánh mì, gạo lứt, miến, bún, bánh phở. Còn nguồn cung cấp đạm tốt nhất là thịt, trứng, sữa. Nên ăn các loại dầu sạch để bổ sung chất béo hỗ trợ tốt cho hệ miễn dịch. Ngoài ra, cũng cần ăn bưởi, đu đủ, chuối, các loại rau xanh… để có chất xơ. TS cũng cần uống nhiều nước", bác sĩ Duy chia sẻ.

Một TS hỏi: "Nhiều người cho rằng ăn óc heo, đậu đỏ sẽ làm tăng khả năng thi đậu, cũng như nếu ăn trứng là sẽ bị điểm 0, còn ăn bí sẽ bị "bí" bài?... Liệu những điều này có đúng?".

Trả lời thắc mắc này, Phan Thị Hương, thủ khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) 2021, chia sẻ đã từng tin và ăn như vậy. "Nhưng việc cho rằng ăn óc heo, đậu đỏ mang lại may mắn chỉ là yếu tố tâm lý giúp trấn an TS. Có thể gọi đó là "những món ăn tinh thần", thủ khoa Hương nói.

Dưới góc độ chuyên môn, bác sĩ Duy cho biết: "Về dinh dưỡng, trong óc heo có đạm, trong bí có thành phần chất xơ, còn trong trứng có chất đạm rất tốt cho cơ thể. Đây là những thành phần dinh dưỡng tốt dành cho mọi người khi ăn mỗi ngày. Chính vì thế, TS ăn những thực phẩm ấy trước khi thi là chuyện bình thường. Nhưng không thể ngày nào cũng ăn lặp đi lặp lại các món đó. Nên nhớ, không có chuyện ăn trứng sẽ bị điểm 0, ăn bí sẽ bị "bí" bài, ăn đậu đen thì bị xui xẻo…".

Có nên sử dụng cà phê, nước tăng lực để thức khuya học bài ?

Một TS chia sẻ dù biết thức khuya là không tốt nhưng chỉ có thể tập trung học bài tốt nhất là vào giờ khuya chứ không thể học vào thời gian sớm hơn.

Liên quan chia sẻ này, thủ khoa Thị Hương cho biết đã từng là người trong cuộc khi thường thức đến 1 - 2 giờ sáng để học bài. "Hậu quả là mình bị sốt và mệt mỏi", nữ sinh gen Z cho biết. Thủ khoa này khuyên TS phải giữ sức khỏe tốt, cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi, bởi sức khỏe rất quan trọng. Đặc biệt nên học vào giai đoạn trước, tuyệt đối không dồn việc học vào giai đoạn cận kề ngày thi rồi phải ôn bài thâu đêm suốt sáng.

Bác sĩ Duy nói rằng đó là tình trạng chung của đa số TS vào mùa thi. Điều này dễ dẫn đến "vòng xoắn bệnh lý": thức khuya rồi dậy trễ, hôm sau lặp lại tình trạng y chang…

Để giải quyết "vòng xoắn bệnh lý" này, bác sĩ Duy hướng dẫn TS cần lùi giờ học sớm hơn, bắt đầu từ 20 - 21 giờ.

Đối với vấn đề TS lạm dụng cà phê, nước tăng lực, bác sĩ Duy cho rằng lặp lại hành động ấy nhiều lần cũng khiến tạo nên "vòng xoắn bệnh lý": uống để tỉnh táo, sau đó không ngủ được, tiếp tục uống cho tỉnh, khi muốn ngủ để hồi phục sức khỏe thì không thể ngủ.

"Uống cà phê, nước tăng lực có tác dụng ngay trong thời điểm đó nhưng hậu quả để lại kéo dài. TS cần thay đổi thói quen này. Phải cực kỳ hạn chế sử dụng, chỉ uống ít, uống giảm liều lượng. Trước đây uống 1 ly thì giờ uống 1/2 ly, 1/3 ly. Tốt nhất, TS phải tập thói quen ngủ sớm và dậy sớm để học bài chứ đừng thức quá khuya", bác sĩ Duy khuyên.

Tình nguyện viên luôn túc trực hỗ trợ thí sinh

Một TS chia sẻ: "Em cảm thấy lo lắng khi từng được nghe những mùa thi trước có TS đến phòng thi đã bị ngất xỉu hoặc gặp nhiều sự cố về sức khỏe. Xin hỏi, trong trường hợp này tình nguyện viên sẽ hỗ trợ TS như thế nào?".

Hồ Thị Xuân Bình, tình nguyện viên "Tiếp sức mùa thi" nhiều năm liền, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Khoa Y ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết rất đồng cảm với lo lắng này.

"Mình có thể chia sẻ rằng các TS hãy yên tâm. Nếu lỡ xảy ra sự cố sức khỏe là sẽ có đội hình y tế giúp đỡ. Các thành viên của đội hình y tế được tập huấn kỹ về kỹ năng sơ cấp cứu căn bản. Khi TS có dấu hiệu không ổn về sức khỏe, chỉ cần báo với giám thị, thì đội hình y tế nhanh chóng đến để hỗ trợ kịp thời. Với những trường hợp ngoài khả năng, thì đội hình y tế sẽ có sự kết nối, liên hệ kịp thời đến những nhân viên y tế có chuyên môn cao hơn nhằm hỗ trợ các vấn đề sức khỏe. Đội hình y tế luôn túc trực từ 5 - 6 giờ sáng cho đến khi TS cuối cùng rời điểm thi. TS chỉ cần thi tốt, không cần phải lo lắng việc không có ai bên cạnh hoặc lỡ xảy ra sự cố về sức khỏe", Xuân Bình nhắn nhủ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.