Bị lừa hàng trăm tỉ, vì sao nhiều người vẫn 'lao' vào sàn vàng?

20/01/2015 09:06 GMT+7

(TNO) Hứa hẹn trả lãi suất cao lên tới 3 - 4%/tháng, cho giao dịch ký quỹ với hạn mức lên gấp 100 lần, mua đi - bán lại liên tục trong ngày tạo tính thanh khoản… đó là lý do mà người chơi vẫn lao vào các sàn vàng ảo như những con thiêu thân, dù vừa qua liên tiếp nhiều sàn đã bị triệt phá.

(TNO) Hứa hẹn trả lãi suất cao lên tới 3 - 4%/tháng, cho giao dịch ký quỹ với hạn mức lên gấp 100 lần, mua đi - bán lại liên tục trong ngày tạo tính thanh khoản… đó là lý do mà người chơi vẫn lao vào các sàn vàng ảo như những con thiêu thân, dù vừa qua liên tiếp nhiều sàn đã bị triệt phá.

San-vangMột sàn vàng ảo mời chào nhà đầu tư - Ảnh: Anh Vũ

Sàn vàng vẫn nở rộ

Sau khi lực lượng công an phát hiện và triệt phá hai sàn vàng VGX và Khải Thái, thu giữ hàng trăm tỉ đồng, bắt giữ hàng chục đối tượng liên quan, những tưởng hình thức đầu tư vàng tài khoản sẽ chấm dứt, thì mới đây lại thêm một “ông lớn” khác là HGI tiếp tục sa lưới.

Ngay sau khi vụ bắt giữ xảy ra, Vụ Quản lý Ngoại hối (thuộc Ngân hàng nhà nước) cũng phát đi thông cáo khẳng định: Mọi tổ chức, cá nhân thành lập sàn giao dịch vàng tài khoản hay kinh doanh ở trong nước và nước ngoài khi chưa được phép đều là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Đây là hoạt động đầu cơ, làm giá gây lũng đoạn thị trường vàng… Thế nhưng, hoạt động này không vì thế mà lắng dịu.

Trên các diễn đàn nhiều trang web cả trong nước và nước ngoài vẫn công khai mời chào nhà đầu tư tham gia. Trên website của các công ty này như thách thức lực lượng chức năng khi hoạt động giao dịch vàng ảo vẫn còn nguyên những hướng dẫn về chơi vàng ảo thông qua phần mềm MT4, cũng như các banner quảng cáo chương trình khuyến mãi dành cho người chơi như đầu tư siêu hấp dẫn, siêu lợi nhuận. Có thể kể đến một số sàn như: fxcm.com, xm.com, gfg88.com…

Trong vai một nhà đầu tư, chúng tôi tiếp cận Công ty TNHH Tư vấn đầu tư tài chính NMD (trụ sở đặt tại đường Lê Hồng Phong, Hải Phòng). Tiếng là tư vấn đầu tư tài chính nhưng thực tế, trang trang web của công ty này tràn ngập thông tin hướng dẫn người chơi cách kinh doanh, giao dịch vàng tài khoản, các phần mềm hỗ trợ.

Tiếp cận một nhân viên kinh doanh tên N.T, khi được đề nghị mở tài khoản mới để đầu tư vàng, cô không ngần ngại trả lời mấy hôm nay công ty tạm thời chưa mở tài khoản mới, vẫn giao dịch với nhà đầu tư cũ. Tuy nhiên, người này cho biết có thể sẵn sàng giới thiệu cho đối tác của công ty để đáp ứng nhu cầu chơi của nhà đầu tư. “Tạm thời chúng tôi không mở tài khoản mới. Nếu anh thích, tôi có thể giới thiệu cho một vài đối tác khác, thoải mái đầu tư không ngại”, nhân viên của Công ty NMD nói.

Trong khi đó, anh Trần Văn Nam (quận Ba Đình, Hà Nội), một nhà đầu tư có tham gia hoạt động sàn vàng ảo thẳng thắn chia sẻ: “Nhiều nhà đầu tư vì thiếu hiểu biết nên vẫn tham gia, nhưng có người biết là cấm rồi vẫn chơi vì lòng tham và lợi nhuận. Cũng vì bây giờ chứng khoán, bất động sản kém hấp dẫn, còn gửi tiết kiệm thì lợi nhuận quá bèo”.

Lòng tham và lợi nhuận ảo

Lý giải về hiện tượng nhiều nhà đầu tư vẫn lao vào sàn vàng ảo, tiến sĩ Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, yếu tố chính nằm ở “mồi câu” lợi nhuận và lòng tham. Thông thường khi tham gia sàn, nhà đầu tư được mời chào khi uỷ thác vốn được nhận lãi suất lên tới 3 - 4%/tháng, tương đương 36 - 48%/năm, gấp cả chục lần gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Bên cạnh đó, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… kém hấp dẫn thì đầu tư vào sàn vàng với tính thanh khoản cao (mua đi bán lại chỉ trong tích tắc và liên tục 24/24 giờ) hấp dẫn các nhà đầu tư, bất chấp rủi ro về pháp lý. “Đó là chưa kể chỉ cần ký quỹ một khoản tiền, nhà đầu tư có thể giao dịch gấp 100 lần. Ví dụ, bỏ 10 triệu được mua bán vàng lên tới 1 tỉ đồng càng khiến họ nao lòng hơn”, ông Lực nói.

Tuy nhiên, theo ông Lực, thực tế lại không hấp dẫn như vậy. Bởi hầu hết các vụ án đã bị triệt phá, số liệu từ cơ quan công an cung cấp cho thấy hầu như không có nhà đầu tư nào kiếm được lợi nhuận, chủ yếu rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Đơn cử, vụ sàn vàng HGI, hàng trăm nhà đầu tư đã chót ủy thác tiền cho sàn vàng ảo này với tổng giá trị 270 tỉ đồng. Khi cơ quan điều tra triệt phá mới vỡ lẽ số tiền trên được giới “chóp bu” của sàn này sử dụng vào mục đích khác, không có bất cứ hoạt động giao dịch hay đầu tư tài chính nào.

Bản chất của các sàn này chủ yếu đưa ra mồi câu để lừa đảo người chơi gửi tiền vào dưới hình thức nhận uỷ thác đầu tư để huy động vốn. Nhưng điều đáng tiếc, dù biết và kể cả nhận thức được hành vi này là trái pháp luật nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tham gia.

Hiện trên cả nước, theo thông báo của cơ quan chức năng vẫn còn hàng chục sàn vàng ảo đang núp bóng dưới hình thức các công ty đầu tư tài chính. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi tới đây, nhiều ông chủ của sàn vàng ảo sẽ lại sa lưới và nhiều nhà đầu tư lại bắt đầu hốt hoảng vì tiền của mình lại không cánh mà bay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.