Gần đây, hai chương trình âm nhạc đình đám Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng yêu nhạc. Với những bản hit làm mưa làm gió, sân khấu đầu tư hoành tráng và dàn nghệ sĩ đỉnh cao, vé tham dự các concert này trở thành món hàng được săn đón nồng nhiệt bởi hàng nghìn người hâm mộ.
Thế nhưng, đằng sau sự hào hứng ấy là những rủi ro tiềm tàng trong việc mua vé online mà không phải ai cũng lường trước.
Dù đã được cảnh báo nhưng chị Nguyễn Hà Linh (21 tuổi, Đà Nẵng) vẫn bị lừa 1,7 triệu đồng khi mua vé concert Anh trai vượt ngàn chông gai.
"Mình đã mua vé vào Hưng Yên rồi nhưng vội quá quên không đặt vé xem chương trình. Đêm hôm qua nhớ ra thì vào những hội nhóm bán lại vé, giữa rất nhiều vé giá cao thì có một anh chào vé vị trí đẹp nhưng giá thấp với lý do bán mãi sát giờ chẳng ai mua, bỏ đi thì phí. Thấy vậy mình mua luôn, một phần vì vội, một phần vì ham rẻ nhưng ngay sau khi chuyển tiền, mình đã bị chặn và không liên lạc được", chị Linh kể với phóng viên.
Chị Linh cho biết đã liên hệ với chủ nhóm mua bán vé nhưng không được giải quyết triệt để, chỉ nhận được lời an ủi và cảnh báo cho lần sau. Chủ động tìm thông tin qua số điện thoại, số tài khoản thì chị chỉ tìm được thông tin của một người khác với ảnh đại diện xăm trổ và dòng trạng thái "chuyên đòi nợ thuê".
Bị lừa đảo với chiêu trò tinh vi hơn, anh Lê Trí Đức (34 tuổi, Nam Định) mất tới 83 triệu đồng khi mua vé concert cho cả gia đình.
Anh Đức phản ánh: "Tôi tìm vé trước khi mở bán 2 tiếng nên không nghĩ có lừa đảo sớm như vậy. Có một người chủ động nhắn tin với tôi, nói là công an quản lý khu vực đấy được tặng 10 vé miễn phí nhưng không dùng đến nên bán lại 1/3 giá gốc, tôi chỉ cần bấm vào đường link, điền thông tin gia đình và số tài khoản để làm tin là được. Tôi làm theo và đã mất 80 triệu đồng trong tài khoản. Tôi hỏi lại thì người ta bảo bị lỗi, chuyển khoản thêm 3 triệu để họ làm lệnh gửi lại và sau đó họ chặn tôi".
Nâng cao cảnh giác
Theo Cục An toàn thông tin, tình trạng lừa đảo liên quan đến việc mua vé trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh sức hút mạnh mẽ của hai chương trình âm nhạc đình đám nêu trên.
Rất nhiều người hâm mộ không thể mua vé trực tiếp từ ban tổ chức, buộc phải mua lại từ các nền tảng trực tuyến. Đây chính là cơ hội để các nhóm lừa đảo lợi dụng, nhất là ở thời điểm gần ngày sự kiện diễn ra.
Các thủ đoạn lừa đảo nhìn chung không quá mới mẻ nhưng lại được áp dụng một cách tinh vi. Kẻ gian thường tạo các tài khoản mạng xã hội giả mạo, sau đó tham gia hoặc tự lập các hội nhóm chuyên trao đổi, mua bán vé để tiếp cận nạn nhân, chào mời với những lời hứa hẹn hấp dẫn.
Cùng đó, các đối tượng cố tạo ra sự khan hiếm giả tạo, đánh vào tâm lý của những khách hàng mong muốn sở hữu tấm vé lúc cận giờ.
Vì thế, chuyên gia Cục An toàn thông tin khuyến cáo, trong trường hợp sang nhượng, trước khi giao dịch, cần kiểm tra độ uy tín của người bán, không vội chuyển tiền nếu chưa chắc chắn về tính xác thực. Đồng thời, nên gặp gỡ trực tiếp để kiểm tra và đảm bảo tính xác thực của vé, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Cùng đó, cần cập nhật thông tin từ các kênh bán vé chính thức, hạn chế tin vào những lời mời chào thiếu minh bạch được lan truyền tràn lan trên mạng xã hội.
Bình luận (0)