Ngày 14.12, bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình của bệnh viện tiếp tục cấp cứu và phẫu thuật trường hợp bệnh nhân bị máy xay thịt cuốn dập nát bàn tay phải.
Đây là trường hợp tai nạn thứ 2 với máy xay thịt được cấp cứu tại bệnh viện trong vòng chưa đầy 3 tuần qua.
Trước đó, nữ bệnh nhân tên N.T.P.T (32 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu cùng với chiếc máy xay thịt trong tình trạng bàn tay phải bị cuốn vào máy, đau nhức dữ dội; các ngón bị xay nát, dính chặt bàn tay phải vào khay inox không lấy ra được.
|
Chị T. kể chị làm nghề bán chả cá ở chợ nên đã sử dụng máy xay thịt để làm chả cá nhiều năm nay. Tuy nhiên, hôm xảy ra tai nạn, chỉ một bất cẩn nhỏ là đút nguyên liệu vào sâu quá, đã khiến bàn tay phải chị bị cuốn chặt vào cối xay.
“Mới nhét vô khoảng 2 đốt ngón tay là tôi vơ tay ngắt điện ngay nhưng vẫn bị cuốn nát vậy. Lúc đó đau và choáng lắm, tôi cố gắng không bị xỉu rồi những người ở chợ mới đưa tôi đi cấp cứu, ôm luôn cái máy xay rồi ở dưới chuyển tôi lên đây”, chị T. kể.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị tổn thương phức tạp, dập nát cả 5 ngón tay của bàn tay phải, xương ngón tay còn kẹt trong máy xay thịt. Bệnh nhân được nhanh chóng xử lý cấp cứu, cùng lúc thực hiện các xét nghiệm và chuyển bệnh nhân lên phòng phẫu thuật.
Ê kíp phẫu thuật do thạc sĩ - bác sĩ (Ths.BS) Nguyễn Văn Hết, BS Lê Công Danh (Trung tâm Chấn thương chỉnh hình), BS.CK2 Trần Huỳnh Đào (Trưởng Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức) đã cẩn trọng tháo rời từng bộ phận chiếc máy xay, thực hiện gỡ bàn tay bệnh nhân ra khỏi máy để tiến hành cắt lọc mô dập nát.
Các ngón 1, 2, 3, 4 dập nát, không thể phục hồi phải tháo bỏ làm mỏm cụt tới khớp bàn ngón, cố định và bảo tồn được ngón 5 (ngón út - PV) và các xương bàn tay phải. Ca phẫu thuật diễn ra trong 80 phút mới hoàn thành.
|
Tới chiều 14.12, bệnh nhân ổn định, bác sĩ kiểm tra vết thương khô tốt, ngón 5 hồng hào, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình.
Khi bệnh nhân lành vết thương, các bác sĩ dự định sẽ phẫu thuật lấy ngón chân số 2 của bàn chân phải của bệnh nhân để đưa lên ghép tái tạo làm ngón cái cho bàn tay phải bị mất, nhằm mục đích giúp phục hồi một phần chức năng cầm nắm của bàn tay.
Bởi ngón cái bàn tay (ngón 1) là ngón chiếm chức năng chính của bàn tay. Nếu không có ngón cái, bàn tay sẽ gần như vô tác dụng, việc sinh hoạt của bệnh nhân về sau sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo BS.CK2 Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ), đa số các trường hợp tai nạn do máy xay thịt, cá… đều không cứu được toàn vẹn bàn tay do tổn thương phức tạp do nghiền dập nát. Đã có không ít trường hợp gặp tai nạn khi sử dụng máy xay thịt hoặc các loại máy tự động tương tự khác. Vì vậy người dân cần chú ý cẩn trọng, có các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Nếu không may gặp tai nạn không nên cố gắng kéo tay ra mà phải nhanh chóng đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được bác sĩ cấp cứu và xử trí kịp thời.
Bình luận (0)