Theo lời tư vấn của nhân viên, hình dáng chân mày quyết định tài lộc, vận mệnh của một người. Chân mày của chị thiếu đỉnh và đuôi mày. Khoảng cách giữa hai đầu mày và phần ấn đường chưa cân đối, nên có chăm chỉ làm ăn kiếm tiền thì cũng không khá giả và có số thị phi.
Nghe lời, chị quyết định sửa chân mày phong thủy. Sau khi làm đẹp, chân mày của chị có biểu hiện sưng viêm đỏ, đau nhức. Mặc dù đã uống thuốc nhưng tình trạng không thuyên giảm, vết thương nhiễm trùng, mưng mủ và lan rộng. Chị đến khám tại Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Sau khi kiểm tra, các bác sĩ Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da của bệnh viện nhận thấy vết thương vùng chân mày của chị nhiễm trùng, hoại tử rộng hết phần da trán, lan xuống gần mắt và qua cả vùng thái dương... Bệnh nhân đã được xử trí bằng thuốc để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Bác sĩ Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da đã phối hợp với bác sĩ ngoại khoa để cắt lọc, làm sạch vết thương. Sau đó các bác sĩ lấy một phần da đùi và ghép thành công lên vùng da khuyết trên trán.
Nâng cung chân mày là một phẫu thuật xâm lấn
Ngày 24.4, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Phương Thảo (Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, nâng cung chân mày hay còn được gọi là treo chân mày là một thủ thuật được thực hiện nhằm nâng cao phần chân mày bị chùng xuống do quá trình lão hóa. Tùy tình trạng và nguyên nhân gây chùng nhão mà bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật cắt bỏ phần da thừa hoặc loại bỏ phần mỡ thừa và kéo căng vùng da chùng dưới cung mày rồi khâu lại bằng chỉ.
"Nâng cung chân mày là một phẫu thuật xâm lấn. Thủ thuật này đòi hỏi người thực hiện phải là các bác sĩ chuyên khoa được đào tạo bài bản, nắm vững kiến thức về giải phẫu và ngoại khoa, có kinh nghiệm và chuyên môn cao, tuân thủ nguyên tắc vô trùng", bác sĩ Thảo chia sẻ.
Khi thực hiện nâng cung chân mày ở những cơ sở không uy tín, người dân có thể đối mặt với nguy cơ rủi ro từ bước thăm khám, chẩn đoán ban đầu không chính xác, dẫn đến hướng điều trị không phù hợp. Hậu quả dẫn đến những tai biến trong và sau quá trình phẫu thuật như cung mày bị lệch, tổn thương các cấu trúc da, mạch máu và thần kinh, sưng bầm kéo dài, nhiễm trùng, sẹo xấu sau thủ thuật.
Tại Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, ngoài trường hợp bệnh nhân trên, các trường hợp đến khám có thể gặp các vấn đề như sẹo nhiễm trùng với các biểu hiện như sưng, đỏ, mụn mủ tại vùng vết khâu sau phẫu thuật nâng chân mày, hoặc sẹo co kéo, trợn mí. Thậm chí có những trường hợp nhiễm trùng hoại tử nặng lan rộng hết cả phần trán, lan xuống gốc mũi, mắt, thái dương và phần trung tâm trán loét sâu đến mức lộ rõ phần cơ...
Cần lựa chọn cơ sở uy tín được cấp phép khi làm đẹp
Theo bác sĩ Thảo, trước khi được phẫu thuật nâng cung chân mày, việc hỏi bệnh sử, thăm khám toàn diện nhằm kiểm tra chỉ định và chống chỉ định là rất quan trọng, nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng. Những người có tiền căn rối loạn đông máu, dị ứng thuốc tê, thuốc gây mê hoặc có tình trạng đường huyết cao, tăng huyết áp không được kiểm soát tốt, có cơ địa sẹo lành không tốt nên được cân nhắc và đánh giá kỹ trước khi quyết định tiến hành thủ thuật.
Người dân cần tìm hiểu và chọn lựa các cơ sở uy tín đã được cấp phép, có các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thưc hiện.
Bác sĩ Thảo cho biết, hiện nay, bên cạnh phương pháp phẫu thuật, người dân còn có thể chọn lựa các phương pháp không phẫu thuật giúp nâng cung chân mày nhưng phòng ngừa được những rủi ro và biến chứng do phẫu thuật. Có thể kể đến các công nghệ dùng sóng như sóng siêu âm hội tụ, sóng vô tuyến, chùm tia siêu âm đồng bộ song song, hoặc kỹ thuật tiêm các chất thư giãn cơ, chất làm đầy, luồn chỉ để nâng cung mày với thời gian nghỉ dưỡng ngắn, không để lại sẹo, kết quả tự nhiên.
Bình luận (0)