Bí quyết giúp nhân viên làm việc hiệu quả sau tết

Nguyên Trang
Nguyên Trang
13/02/2019 17:56 GMT+7

Tâm lý ì việc sau kỳ nghỉ tết dài ngày khá phổ biến ở người lao động. Trước thực trạng đó, nhiều nhà quản lý đã đưa ra 'chiêu' nhằm giúp nhân viên làm việc hiệu quả từ những ngày đầu.

Lên kế hoạch “đốt” tết

Theo anh Lý Quang Thắng, trưởng phòng đối tác nhân sự của Công ty Giao Hàng Nhanh (Thành Thái, P.14, quận 10, TP.HCM): "Sau các ngày mùng vui chơi thả ga, tâm lý nhiều người chưa muốn trở lại với công việc, lúc này nhiệm vụ của người lãnh đạo là phải xốc lại tinh thần cho nhân viên. Kinh nghiệm cá nhân của tôi là ngày đầu đến làm, chuẩn bị phong bao lì xì để mừng tuổi nhân viên, mọi người sẽ có gì đó để mong chờ".

Anh Thắng chia sẻ thêm: "Sau màn giao lưu, nếu vẫn còn tâm lý 'tết' thì các bạn có thể lên kế hoạch 'bận rộn'. Chẳng hạn như hẹn khách hàng uống cà phê đầu năm. Vì đơn giản đằng nào cũng “rảnh rỗi” nên vừa chơi vừa làm vậy. Còn nhân viên nào thuộc khối hỗ trợ thì có thể tranh thủ xem những gì đã làm tốt năm rồi, những gì cần làm để tốt hơn...".
Riêng đối với ông Andree Mangels, Giám đốc điều hành Adecco VN (Đoàn Văn Bơ, P.12, quận 4, TP.HCM): “Bí quyết giảm 'sốc' sau tết mà tôi thường chia sẻ với nhân viên là bắt đầu với một thái độ hứng khởi. Tâm lý ban đầu rất quan trọng, nên những ngày đầu tiên sau tết bạn hãy xử lý những công việc bạn thấy hứng thú, đừng lao đầu ngay vào những thứ khó nhằn sẽ khiến bạn tụt hứng. Đối với cá nhân, hãy quay trở lại với thói quen lành mạnh như đi ngủ sớm, tập thể dục, không uống các thức uống có cồn… để tinh thần thoải mái, tỉnh táo thì mới có thể suy nghĩ sáng suốt, làm việc hiệu quả...”.

Thiết lập các mục tiêu mới

Theo anh Phan Văn Phương, Giám đốc Trung tâm R&D, Công ty TBS (P.An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương): “Là người lãnh đạo chúng tôi phải luôn tạo động lực, truyền cảm hứng cho nhân viên nhưng đồng thời cũng là người đảm bảo kết quả của công việc. Chính vì thế, biết anh em sau tết sẽ lơ là, hiệu suất làm việc không cao nên phải có biện pháp động viên tức thì. Tôi thường làm các bước này. Đầu tiên là thăm hỏi, đừng quên lì xì để khuyến khích nhân viên. Sau đó là họp tổng kết, đưa ra các con số của năm cũ, đặt ra mục tiêu của năm mới...”.
Thay vì đặt ra các mục tiêu, chị Nguyễn Lê Anh từ Công ty Action Coach (Lê Lai, Q.1, TP.HCM) đặt ra các câu hỏi. Theo chị: “Tâm lý 'ngán việc' sau tết là bình thường ở tất cả nhân viên, thậm chí cả sếp, mỗi người cần có thời gian vài ngày để cân bằng. Nên thay vì chống lại, mình tự đặt ra các câu hỏi, cụ thể là mục tiêu năm 2019 của bản thân là gì? Mình có thể làm gì? Mình nên làm gì? Trả lời các câu hỏi này sẽ giúp mỗi người 'thức tỉnh', sớm trở lại với nhịp độ công việc trước đây”.
CEO Phạm Văn Tú từ asun.vn (Nguyễn Trường Tộ, P.12, Q.4, TP.HCM) có cách “giảm sốc” riêng cho nhân viên. “Ngay từ đầu năm, mình phải có kế hoạch năm, càng chi tiết, cụ thể càng tốt vì nó sẽ giúp nhân viên ý thức trách nhiệm của bản thân, hoàn thành nhanh yêu cầu công việc đề ra. Ngoài ra, công ty luôn có những group chung trên viber, Zalo, Facebook… để động viên anh em nhân viên cùng cố gắng. Nói chung nhân viên thường noi gương sếp, nên những ngày đầu năm người đầu tàu làm việc nghiêm túc thì nhân viên cũng sẽ chỉn chu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.