Nỗ lực kéo giảm ca nhiễm, không để vượt 200 ca/ngày
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định nếu địa phương không quan tâm, đánh giá đúng tình hình, thành phố sẽ chịu hậu quả, trả giá rất đắt. Hiện nay, TP.Đà Nẵng đã điều trị trên 1.000 ca và có 1 ca tử vong. Ông Quảng cho rằng, điều này cho thấy mục tiêu đặt ra trong việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 chưa đạt được. Việc thực hiện Nghị quyết 128 là linh hoạt, hiệu quả nhưng 3 tiêu chí là an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đều không đạt được.
"Các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong thời gian qua là chưa thực sự quyết liệt và có chiều hướng buông lỏng, thả trôi ở một số cơ quan, địa phương. Có cơ sở để khẳng định ở một số địa phương từ nhận thức đến tổ chức triển khai trên thực tiễn là thiếu quyết liệt và buông lỏng", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.
Hiện số ca nhiễm mới tại TP.Đà Nẵng đã vượt qua con số 1.000 ca |
hoàng sơn |
Theo đó, ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị phải nhận định đúng tình hình dịch bệnh. Nếu không thực hiện các biện pháp một cách nghiêm túc, quyết liệt, sẽ không đạt được hiệu quả. BCĐ cần đặt ra mục tiêu trong thời gian tới, đó là hiện nay, số ca đã trên 3 con số nên yêu cầu không thể để tăng lên và vượt qua 200 ca/ngày. Hôm nay (12.8), TP.Đà Nẵng ghi nhận 168 ca kể từ khi TP trở lại bình thường, do đó ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị từ thành phố đến cấp quận, huyện mục tiêu là phải giữ và không tăng cao nữa; tiến tới giảm xuống còn 2 con số.
Mục tiêu thứ 2 là không để các ca bệnh chuyển nặng và tử vong. "Từ thành phố đến cơ sở huy động tổng lực các lực lượng để tham gia vào phòng chống dịch", ông Quảng nói. Theo đó, Sở Y tế TP tham mưu tổ chức lực lượng sẵn sàng ứng trực cho các địa phương phát sinh các ổ dịch. Tổ chức lực lượng ứng trực để xuống hỗ trợ dập ngay các ổ dịch.
Covid-19 ở Đà Nẵng diễn biến nóng bỏng với hàng loạt ca nhiễm cộng đồng |
Tổng kiểm tra công tác phòng chống dịch
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt, triệt để các văn bản về phòng chống dịch, nhất là khoanh vùng, truy vết. Mặc dù hiện nay không kiểm soát việc di chuyển nhưng khi đã khoanh vùng thì có thể vận dụng để hạn chế.
"Chúng ta không phong tỏa cả quận. Các địa phương phải phong tỏa nhỏ và có biện pháp kiểm soát chứ không đủ sức phong tỏa cả phường, cả quận. Chúng ta đã có kinh nghiệm trong phong tỏa nên cần rút kinh nghiệm việc này", ông Quảng nói.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Quảng, các địa phương phải phân công và quy trách nhiệm cụ thể người đứng đầu. Cấp ủy, lãnh đạo các địa phương chịu trách nhiệm xử lý các khu vực có dịch. Các địa phương phân công cụ thể và quy trách nhiệm các cá nhân.
Lãnh đạo TP.Đà Nẵng yêu cầu chuẩn bị phương án tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu |
hoàng sơn |
Đáng chú ý, Bí thư Nguyễn Văn Quảng yêu cầu tiến hành kiểm tra tổng thể và xử lý đối hành vi vi phạm các quy định phòng chống dịch, nhất là ở các khu vực phong tỏa và khu vực đang có dịch. BCĐ thành lập tổ kiểm tra từ trên xuống dưới xem chỉ đạo của BCĐ có được các phường, xã thực hiện hay không.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng đề nghị các quận, huyện kiện toàn BCĐ phòng chống dịch, phân công lãnh đạo về đứng điểm ở các địa phương, chịu trách nhiệm nắm, theo dõi tình hình tại địa phương; trực tiếp chỉ đạo các phường. Các phường kiện toàn lại các tổ Covid-19 cộng đồng, thực hiện thông báo, giăng dây tại nhà các F1. Các khu phong tỏa thực hiện nghiêm túc việc xử phạt vi phạm.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo, 2 quận Sơn Trà và Liên Chiểu cần có phương án bổ sung lực lượng công an, bộ đội, biên phòng về các địa phương hỗ trợ chống dịch Covid-19. Ngành y tế cũng huy động lực lượng các quận để điều về 2 quận này tập trung truy vết, xét nghiệm… Hai quận này phải ưu tiên phòng chống dịch trong giai đoạn này. Văn phòng UBND TP thành lập các tổ kiểm tra và hằng ngày đi kiểm tra các địa phương không thực hiện nghiêm túc phòng chống dịch, báo cáo lại Thành ủy.
Bình luận (0)