Bí thư Thành ủy TP.Huế kêu gọi người dân ‘đưa ông Táo’ văn minh

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
13/01/2023 21:46 GMT+7

Ngày giáp Tết nguyên đán, sắp đến lễ cúng đưa ông Táo về trời 23 tháng chạp, Bí thư Thành ủy Huế (Thừa Thiên - Huế) Phan Thiên Định đã lên mạng xã hội kêu gọi người dân chung tay "đưa ông Táo" đảm bảo văn minh.

Hằng năm, bắt đầu từ rạng sáng cho đến 12 giờ trưa ngày 23 tháng chạp âm lịch, người dân nhiều vùng miền cả nước đều có tục cúng đưa tiễn ông Táo về trời. Tại cố đô Huế, các gia đình thường làm một mâm cỗ để đưa ông Công, ông Táo về trời.

Năm nay, thời điểm cúng ông Táo sẽ bắt đầu từ rạng sáng mai 14.1, tức sáng 23 tháng chạp.

Tuy nhiên, sau lễ cúng, "xác ông Táo" bằng đất nung lại được mang ra gốc cây, góc đường, chân cầu... gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và tạo thêm gánh nặng cho đội ngũ công nhân vệ sinh đô thị.

Điểm đặt ông Táo sau lễ cúng đưa tiễn ông Táo về trời của P.Kim Long, TP.Huế tại công viên gần bờ sông Hương

P.K.L

Để hạn chế tình trạng này, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy TP.Huế, đã đăng trên trang Facebook cá nhân lời kêu gọi người dân ý thức, học cách làm hay của UBND P.Kim Long khi thiết lập các điểm để đặt ông Táo vào đúng nơi quy định.

Ngoài yếu tố mỹ quan đô thị, cách làm này cũng sẽ giúp "ông Táo về trời một cách văn minh, vui vẻ và sạch sẽ", ông Phan Thiên Định viết.

Người dân hoan nghênh

Sau khi Bí thư Thành ủy Huế kêu gọi và chia sẻ thông tin về mô hình hay của UBND P.KIm Long, ông Nguyễn Đính (một người dân của TP.Huế) đã có ý kiến "hoan nghênh lãnh đạo TP.Huế".

"Năm nay, UBND P.Kim Long đã "sáng tạo" bố trí các khung để đặt ông Táo tại các vị trí trên các tuyến đường. Phát huy mô hình hay này, chính quyền TP.Huế đã chỉ đạo các phường, xã học tập và nhân rộng để hạn chế tình trạng nhếch nhác, mất mỹ quan", ông Đính nói.

Xác ông Táo cùng nhiều vật phẩm sau khi cúng những năm trước được người dân tống tiễn ra gốc cây gây mất mỹ quan và ô nhiễm

HỒ BÁ LƯƠNG

Xác ông Táo cùng lễ vật cúng của những năm trước được người dân đưa ra bỏ ở chân cầu ở Thành nội, TP.Huế

HỒ BÁ LƯƠNG

Cũng theo ông Nguyễn Đính, hằng năm, sau khi lễ lạy đưa rước nghiêm trang, nhìn cảnh "xác ông Táo" bỏ lăn lóc nơi vỉa hè, góc đường, gốc cây, ngã ba ngã tư... rất nhếch nhác và phản cảm.

Người dân phản ánh đã nhiều năm nay nhưng các cơ quan quản lý môi trường - đô thị, các phường, xã chưa thấy có giải pháp tích cực nào.

Ngay cả những điểm đã có biển cảnh báo tại TP.Huế những năm trước người dân vẫn đến đặt ông Táo cùng nhiều vật cúng rất nhếch nhác.

Ảnh: HỒ BÁ LƯƠNG

Theo TS.Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện VHNT tại miền Trung, ông Táo hay ông Bếp, ông Núc là một thiết chế, một hình ảnh gần gũi thân quen, vô cùng quan trọng để mang lại và duy trì “lửa” - hơi ấm cho gia đình, tạo nên phong khí cho mỗi nhà.

Nói tới bếp là phải nghĩ đến lửa, đến hơi ấm, gắn liền xuyên suốt bàn tay tài hoa và con tim nhiệt huyết của người phụ nữ, đảm đương chuyện nấu nướng lo toan cho bữa cơm, bữa kỵ của cả gia đình.

Từ câu chuyện hai Ông một Bà, người Việt đã viết nên câu chuyện đẹp trong đời sống tình cảm vợ chồng trước bao tác động nghiệt ngã của xã hội, có trước có sau, ứng xử linh hoạt, nhân văn. Và cũng từ kết cục đau thương tột cùng, cả ba đã chuyển hóa qua một dạng “vũ môn” để trở thành một biểu tượng ông Táo.

Cùng với việc kêu gọi người dân chung tay đặt ông Táo đúng nơi, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định cũng kêu gọi người dân khi thả cá chép đừng thả túi ni lông

TS.Trần Đình Hằng cũng đề xuất nên có điểm tập kết "xác ông Táo" để có thể tận dụng lại trong các loại hình nghệ thuật sắp đặt, như ốp dán bên ngoài các bồn hoa, cây cảnh chốn công viên... tạo nên các tác phẩm mới, làm đẹp cho cộng đồng.

Nhiều người tin rằng, với những cách làm hay của UBND P.Kim Long và gợi ý của TS.Trần Đình Hằng sẽ, mô hình này sẽ sớm nhân rộng ra các phường của TP.Huế. Có như vậy, phong tục đưa ông Táo về trời mới trọn vẹn là nét đẹp văn hóa, mang ý nghĩa tôn kính bếp núc của người Việt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.