Bí thư Trịnh Văn Chiến: Thanh Hóa phát triển mạnh, T.Ư cũng đỡ vất vả với Thanh Hóa

Ngọc Minh
Ngọc Minh
02/03/2020 17:01 GMT+7

Ngày 2.3, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện đề án Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng đề án, chủ trì hội nghị.
Thanh Hóa là một tỉnh lớn về cả diện tích và dân số của Việt Nam (đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số ), có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội. Dù đang có những bước phát triển mạnh mẽ, nhưng hàng năm Thanh Hóa vẫn phải nhận sự hỗ trợ ngân sách từ T.Ư.
Vì vậy, để Thanh Hóa phát triển đúng với tiềm năng, xứng đáng với sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngày 14.1, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định số 218-QĐ/TW, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Ban Chỉ đạo 218), giao Ban Kinh tế T.Ư chủ trì đề án.

Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa: Nếu Thanh Hóa phát triển mạnh, TƯ cũng đỡ vất vả vì Thanh Hóa

ẢNH N.M

Phát biểu tại hội nghị, ông Trinh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, mong muốn tỉnh nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, ngành T.Ư để xây dựng một đề án có chất lượng, tính thuyết phục cao để trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết cho Thanh Hóa, tạo cơ hội cho tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.
“Việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Thanh Hóa không chỉ cho Thanh Hóa mà còn cho cả vùng bắc Trung bộ và cho cả nước. Vì là tỉnh lớn, còn khó khăn, lâu nay T.Ư phải hỗ trợ Thanh Hóa rất nhiều, vì vậy, nếu Thanh Hóa phát triển nhanh, mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, thì T.Ư cũng đỡ vất vả với Thanh Hóa”, ông Chiến nói.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện mọi tiềm năng, thế mạnh của Thanh Hóa, Bộ Chính trị nhận thấy Thanh Hóa có điều kiện vươn lên phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành động lực không chỉ để phát triển cho khu vực bắc Trung bộ, miền Trung và có tác động lan tỏa cho cả nước, mà còn góp phần quan trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Do vậy, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư để xây dựng đề án phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình kỳ vọng Ban Chỉ đạo sẽ xây dựng được một đề án mang tầm chiến lược, giúp Thanh Hóa phát triển trong giai đoạn tới

ẢNH N.M

Theo ông Bình, trong quá trình xây dựng đề án, phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển nhanh và bền vững, đặt phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa trong tương quan tổng thể phát triển chung của cả nước trên cơ sở khai thác và phát huy triệt để các lợi thế so sánh của Thanh Hóa.
Do đó, phải bám sát các nghị quyết của Đảng trực tiếp hay gián tiếp có liên quan đến Thanh Hóa, các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, các nghị quyết của T.Ư mà đặc biệt là dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
“Đề án phải thật sự có tầm nhìn chiến lược, quan điểm, mục tiêu rõ ràng, hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi và có tính đột phá cao, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế để giúp Thanh Hóa có động lực khai thác đầy đủ mọi tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, về bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa và giá trị con người Thanh Hóa”, ông Bình nói.
Trước đó, chiều 1.3, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cùng đoàn công tác đã thăm Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Thăm và làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư khẳng định vai trò của Khu Kinh tế Nghi Sơn, là điểm nhấn hết sức quan trọng, là bàn đạp và động lực phát triển của Thanh Hóa thời gian tới.
Ghi nhận các ý kiến đề xuất của địa phương, ông Bình đề nghị Ban Kinh tế T.Ư tiếp thu, nghiên cứu phục vụ xây dựng đề án, đồng thời tổng hợp đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giải quyết theo thẩm quyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.