Bí thư Vĩnh Phúc: Giáo dục phải có chiến lược tương xứng với sự phát triển

Quý Hiên
Quý Hiên
29/08/2024 20:17 GMT+7

Chỉ đạo tại buổi làm việc với ngành GD-ĐT Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An yêu cầu giáo dục Vĩnh Phúc phải có chiến lược, giải pháp tương xứng với sự phát triển của tỉnh.

Chiều nay, 29.8, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có buổi làm việc với ngành giáo dục về thực trạng, kết quả, phương hướng, tầm nhìn của ngành. Ngoài đại diện các ban ngành và các phòng GD-ĐT, đặc biệt có một số trường học tham dự buổi làm việc. Chỉ đạo tại buổi làm việc với ngành GD-ĐT Vĩnh Phúc, Bí thư Dương Văn An yêu cầu giáo dục Vĩnh Phúc phải có chiến lược, giải pháp tương xứng với sự phát triển của tỉnh.

Bí thư Vĩnh Phúc: Giáo dục phải có chiến lược tương xứng với sự phát triển- Ảnh 1.

Ngoài đại diện các ban, ngành và các phòng GD-ĐT còn đại diện một số trường học tham dự buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

ẢNH: KHÁNH LINH

Phải có chiến lược, giải pháp xứng tầm

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Vĩnh Phúc Dương Văn An nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của giáo dục trong sự phát triển của con người và quốc gia. Một quốc gia có nền giáo dục tốt sẽ đào tạo được những con người tốt. Dân tộc Việt Nam luôn trọng sự học, đề cao vai trò của người thầy.

Theo ông Dương Văn An, ngành giáo dục Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Mạng lưới các cơ sở giáo dục được rà soát, sắp xếp hợp lý; Chất lượng giáo dục được nâng cao và đảm bảo công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục.

Nhiều năm liền, Vĩnh Phúc đứng tốp đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục. Nổi bật là 2 năm liền đứng thứ nhất toàn quốc về bình quân điểm thi tốt nghiệp THPT. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Vĩnh Phúc đứng thứ nhất toàn quốc với điểm trung bình cộng các môn thi đạt 7,46 điểm.

Tỷ lệ học sinh đạt giải thi học sinh giỏi cấp quốc gia được giữ vững và nâng cao. Năm 2024, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu toàn quốc với 89/98 giải thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, đứng thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ đạt giải (90,82% học sinh đạt giải).

Bí thư Vĩnh Phúc: Giáo dục phải có chiến lược tương xứng với sự phát triển- Ảnh 2.

Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An chỉ đạo tại buổi làm việc với ngành GD-ĐT Vĩnh Phúc chiều 29.8

ẢNH KHÁNH LINH

Tuy nhiên, ông Dương Văn An đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế của ngành GD-ĐT Vĩnh Phúc như thiếu trang thiết bị dạy học, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia thấp nhất trong 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng, thiếu gần 4.000 giáo viên, thiếu trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật, giáo dục ngoài công lập phát triển chậm…

Là một tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp nhưng cơ sở giáo dục phục vụ con em công nhân khu công nghiệp ít, không đáp ứng được nhu cầu. Chất lượng giáo dục cao nhưng chưa đồng đều, thực hiện đổi mới giáo dục còn chậm. Giáo dục ngoại ngữ, tin học trong nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và yêu cầu hội nhập quốc tế…

Với quan điểm "GD-ĐT là quốc sách hàng đầu", ông Dương Văn An đặt ra yêu cầu Vĩnh Phúc phải có chiến lược, giải pháp tương xứng với sự phát triển của tỉnh để thực hiện tốt mục tiêu "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài".

Có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho giáo viên nâng cao trình độ

Theo Bí thư Vĩnh Phúc, để GD-ĐT thực sự là quốc sách hàng đầu, trước hết tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo chất lượng, tâm huyết, có tinh thần tự học, đổi mới, sáng tạo; tỉnh sẽ quan tâm ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho giáo viên đi học nâng cao trình độ.

Bên cạnh giáo dục tri thức phải chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng xã hội cho học sinh; đặc biệt không chạy theo thành tích, dạy thật, học thật, thi thật, điểm thật. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các nhà trường.

Bí thư Vĩnh Phúc yêu cầu Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc nghiên cứu công tác phân luồng sau THCS và chỉ tiêu tuyển sinh vào THPT, từ đó chỉ ra được những điểm bất hợp lý để tham mưu, đề xuất tỉnh về những giải pháp phân luồng phù hợp với thực tiễn, trong đó, tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào THPT.

Ngành GD-ĐT cần đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, rèn kỹ năng sống để học sinh phát triển toàn diện. Chính quyền các cấp cần quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng trường học, không để học sinh học trong trường, lớp xuống cấp, mất an toàn.

Đặc biệt, UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội trong giáo dục; thực hiện có hiệu quả phương châm "Lấy học sinh làm trung tâm, chủ thể; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng", theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.