Bị Trung Quốc 'chê', than chất núi tồn kho

Nguyên Nga
Nguyên Nga
23/11/2019 07:34 GMT+7

Nhập khẩu than tăng gấp đôi, trong khi đó, than trong nước xuất khẩu ngày càng ế và đỉnh điểm khi Trung Quốc “chê” không mua khiến lượng tồn kho hàng triệu tấn.

Thiếu cứ nhập, thừa bán không ai mua

TS Ngô Trí Long phân tích: “Trong xu thế thế giới đang giảm dùng nhiệt điện, giá than thế giới cũng đang giảm, chỉ có tính toán giảm giá bán mới mong không bị ế hàng. Ngành khai thác than gấp rút tính toán lại giá cả cạnh tranh và nỗ lực đàm phán tìm thị trường mới nếu muốn tồn tại”
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm nay, VN chi 3,25 tỉ USD nhập khẩu 36,8 triệu tấn than, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn than nhập khẩu chủ yếu từ Úc và Indonesia. Một bài báo trên Reuters vào tuần trước đưa ra nhận định VN đang ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Đặc biệt nhập khẩu than của VN chủ yếu phục vụ các dự án nhiệt điện và các nhà máy này đang đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất điện cho VN những năm tới. Tính trung bình, mỗi tháng các nhà máy nhiệt điện “ngốn” khoảng 3,6 triệu tấn than với giá trị khoảng 320 triệu USD.
Liên tục trong mấy năm gần đây, than lọt vào nhóm hàng nhập khẩu lớn của VN và được dự kiến tăng gấp đôi trong giai đoạn 2020 - 2030. Nếu năm 2016 kim ngạch nhập khẩu than là 927 triệu USD, thì sang năm 2017 đã tăng lên 1,52 tỉ USD và 2018 vượt 2,25 tỉ USD. Trước đó, theo dự kiến của Bộ Công thương, nhập khẩu than năm 2019 sẽ vượt mốc 3 tỉ USD.
Nhập nhiều nhưng thực tế VN vốn là quốc gia từng xuất khẩu hàng chục triệu tấn than mỗi năm. Từ năm 2009 đến trước năm 2013, bình quân mỗi năm VN xuất khẩu khoảng 19 triệu tấn than đá các loại, trong đó Trung Quốc là thị trường mua than chính của VN.
Trong giai đoạn này, trung bình mỗi năm Trung Quốc mua khoảng 14 triệu tấn than từ VN, chiếm 80% lượng than xuất khẩu của cả nước. Đó là chưa tính lượng than xuất lậu bằng đường tiểu ngạch cũng ồ ạt đổ sang thị trường này. Tuy nhiên, từ năm 2014, Trung Quốc giảm mua, chỉ còn khoảng 4,1 triệu tấn, chiếm 50% lượng xuất khẩu của cả nước. Từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc không còn nhập hoặc nhập rất ít than đá từ VN. Cũng từ đó, tồn kho than đá ngày càng cao. Tháng 5 vừa qua, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu hơn 2 triệu tấn than trong năm nay. Số này được giao cho Tập đoàn than khoáng sản VN (TKV) xuất khẩu 2 triệu tấn than và 50.000 tấn giao cho Tổng công ty Đông Bắc. Tuy nhiên, khối lượng than TKV ước xuất được trong năm nay khoảng 1,2 triệu tấn (bằng 59% kế hoạch) và Đông Bắc chỉ xuất đạt khoảng 10.000 tấn. Cũng chính TKV tính toán nhập than của năm nay đạt khoảng 5 triệu tấn.

Bài toán giá bán

Nguyên nhân chính khiến than trong nước ùn ứ là do Trung Quốc áp dụng quy định về hàng rào chất lượng đối với than nhập khẩu. Các loại than nhập khẩu vào thị trường này trước khi pha trộn, sử dụng phải được giám định lại chất lượng theo hàng rào tiêu chuẩn các nguyên tố vi lượng như thủy ngân, arsen, clo, flo... do Trung Quốc quy định. Than antraxit của VN không đáp ứng được các tiêu chuẩn này.
Chuyên gia năng lượng, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật TP.HCM (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM) cho rằng việc gia tăng nhập khẩu than và nhập ồ ạt là việc làm hết sức kỳ cục trong bối cảnh thừa than hiện nay. “Có nhiều ý kiến cho rằng than VN bán giá cao hơn, trong khi than dùng nhiệt điện loại thấp, giá thấp nên nhập lợi hơn. Tôi cho rằng chưa thỏa đáng và chúng ta đang hành xử ngược lại với mong muốn phát triển bền vững. Cứ cho xuất khẩu được 1 triệu tấn than tốt, mua về 3 triệu tấn than dùng cho điện để lợi về kinh tế đi, nhưng than tốt bán giá cao ai mua? Trong khi đó, chính sách tăng phát triển nhiệt điện, nhập than kém chất lượng vào làm điện, xỉ than không biết làm gì nay xin đổ ra biển, mai xin đổ lên núi, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Thứ nữa, tại sao than trong nước lại ế, bán không ai mua? Có phải chúng ta đang khai thác bằng công nghệ lạc hậu, giá thành lớn nên phải bán giá cao?”, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh đặt vấn đề và cho rằng về lâu dài, khi hướng đến phát triển bền vững, những công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, kể cả công nghệ khai khoáng, cần loại bỏ.
Ở góc độ kinh tế, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng: “Đây là vấn nạn của việc quá phụ thuộc vào một thị trường. Khi họ hắt hơi chúng ta cảm cúm nằm liệt giường rồi. 3 năm Trung Quốc ngưng mua, chừng đó thời gian chúng ta phải tìm cách giải cứu than khai thác, nhưng vẫn chưa có giải pháp tối ưu nào. Nỗ lực tìm thị trường mới của TKV có vẻ khó khăn hơn chúng ta tưởng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.