Thời gian Bảo Đại về nước tham gia chính trị, đối với Nam Phương hoàng hậu cô đơn nơi xứ người, đó là ngày tháng "Không có Mình bên cạnh, ngôi nhà này đối với mẹ con em trống trải rộng lớn vô cùng" (thư viết ngày 26.4.1949).
Tại VN, có một tin đồn khiến bà vô cùng hoang mang: "Mẫu hậu chắc là đang ở bên cạnh Mình? Bà viết thư cho em nói là Bà ngã bệnh khi nghe tin đồn về âm mưu bắt cóc Bino" (thư viết ngày 16.3.1950).
Bino là tên thường gọi của Hoàng tử trưởng Nguyễn Phúc Bảo Long, sinh năm 1936. Trước thông tin đáng âu lo này, bà đã viết hai lá thư gửi mẹ chồng và chồng "Trình bày những lý do đã buộc em phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho Bino một cách chắn chắn nhất… Xin Mình hãy tâu lên Mẫu hậu là em phải có những hành động đúng đắn vì lợi ích của con trai của Mình, bất chấp mọi tổn hại về hạnh phúc và sự an nguy cho bản thân em".
Âm mưu bắt cóc này không chỉ ở thời điểm này, mà trước đó đã từng diễn ra như chính bà cho biết: "Em chỉ cầu xin Mẫu hậu ban cho em lòng tin của Mình về em và đừng quá lo lắng, bởi vì hình như em đã chứng tỏ với Mẫu hậu về sự nhanh trí của em từ bốn năm về trước rồi".
Sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố (NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành) đã công bố các bức thư khiến ta thấy Nam Phương hoàng hậu phải âu lo, cảnh giác trước mọi động tĩnh liên quan đến con cái:
"Hôm qua vào khoảng 6 giờ chiều, Bino cùng Bina (tức công chúa Nguyễn Phúc Phương Mai) đang đùa chơi trong bể bơi lớn ở công viên, em đi xuống để trông các con và cùng chơi với Bé Bé (tức hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Thăng) bên chiếc ca nô nhỏ thì bỗng nhiên một chiếc ô tô đỗ xịch ngay trước mặt". Chuyện gì đã xảy ra? Đôi nam nữ trên chiếc ô tô sau khi quan sát, rồi đến lúc nhìn thấy các con của bà rời cuộc chơi quay về nhà thì chúng lẳng lặng phóng đi. Có phải động thái này chỉ là "Ông ta dừng xe lại để ngắm nhìn má cháu đấy mà" - như Bé Bé lên 7 tuổi nhận xét?
Về các con của vợ chồng Nam Phương hoàng hậu, lâu nay sử sách ghi chép đó là Bảo Long, Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung và Bảo Thăng. Tuy nhiên, thật bất ngờ qua lá thư gửi chồng, chúng ta biết bà đã "bật mí" với mẹ chồng: "Để không làm bà phật lòng và buộc tội em đã giữ bí mật không tâu trình về việc chúng mình sắp có thêm con" (thư viết ngày 13.12.1950).
Sự mong mỏi có thêm đứa con, đối với bà trong hoàn cảnh như thế nào? Bà viết tiếp: "Em xin Mình hãy thử ở vào địa vị của em một chút… một thân một mình tựa như một người đàn bà bị bỏ rơi, tứ phía chồng chất những lo toan, mà xung quanh thì không khí của mùa lễ hội đang trùm lên vạn vật. Mình phải ở xa, một mình em đơn độc nơi đất khách quê người đã đặt em vào tình trạng bối rối, đến nỗi không dám kể hết với Mình những lo lắng của em…".
Qua đó, niềm mong mỏi tột bậc của bà cũng như bất kỳ mọi người đàn bà bình thường khác: "Trong vụ Hè tới, Mình có thể về đây giúp em qua giờ phút vượt cạn được không?".
NỖI ĐAU MẤT CON
Ngày 14.12, bà "cảm thấy đau hai bên thận và rỉ nhẹ mấy giọt máu", nhiệt độ 37 độ, mạch tim 72. Chiều 15.12 bà bị sốt "thân nhiệt đã lên tới 39,9 độ, mạch tim 100". Chiều 16.12, bà bị "xuất huyết nặng" và ngay trong đêm người nhà nhanh chóng chuyển vào Bệnh viện đa khoa ở Cannes. Tại đây, lúc 8 giờ 30 sáng chủ nhật 17.12, bà được giải phẫu khẩn cấp - người trực tiếp mổ là bác sĩ Monchotte. Thông tin này, cựu hoàng Bảo Đại chỉ biết qua thư ngày 18.12.1950 do chị vợ là Agnès viết cấp tốc gửi ông - ngoài ra còn có chi tiết: "Tâu Bệ hạ. Sau khi mổ xong, chính giáo sư cũng gọi dây nói cho tôi là tất cả mọi việc đã được tiến hành kịp thời vào lúc bào thai đã chết… Mariette không phạm vào sự bất cẩn nào cả nhưng tinh thần xuống rất thấp trước khi mổ".
Qua mất mát lớn này, phải mười ngày sau, khi sức khỏe ổn định, ngày 27.12.1950 bà mới bình tâm viết lá thư gửi kể lại rất chi tiết mọi chuyện đã xảy ra. Và đây là thư dài nhất trong các thư bà đã gửi cho chồng. Qua đó, ta biết nếu bà không được giải phẫu kịp thời, có thể nguy hiểm đến tính mạng: "Chỉ 24 tiếng đồng hồ nữa thôi, trái tim em có thể ngưng đập". Thật xúc động, lúc ấy bà còn lo lắng nghĩ tới chồng: "Em cũng dặn chị Angès cấp báo cho Mình để Mình không bị choáng đột ngột nếu xảy ra việc gì xấu đối với em. Và em đã khóc một mình".
Sau khi mổ xong, "Em tỉnh dậy thấy trong người xao động, đau đớn vì những co thắt đến nghẹt thở, khát nước và có cảm giác như đang bị trôi xuống vực. Em đã cố vẫy vùng trồi lên với cuộc sống".
Từ nỗi lo về con bị bắt cóc đến nỗi đau sẩy thai, kể cả sau này qua đời, bà phải một mình gánh chịu, chứ những thời điểm đó không có sự hiện diện của Bảo Đại. Từ đó, trong tháng ngày sống xa xứ, mãi mãi không bao giờ bà đạt được ước mơ: "Và nếu là đứa con trai của đàn con của chúng ta thì em mong muốn nó sẽ là một vì sao bé nhỏ nhưng lại là niềm tin lớn lao trong trái tim của mỗi chúng ta. Và nó sẽ trở thành báu vật bảo lãnh cho tổ ấm của chúng ta, một tổ ấm mới tìm lại được nhịp sống sau những ngày chia ly cay đắng", Nam Phương hoàng hậu trút bầu tâm sự với cựu hoàng Bảo Đại. (còn tiếp).
Bình luận (0)