Về các thư từ của Bảo Đại, nhà nghiên cứu Phạm Hy Tùng, tác giả của sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố (NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành), cho biết: "Một trong những điều khoản của Thỏa ước Elyseés Pháp ký với cựu hoàng có quy định về phía Pháp sẽ chịu chi phí vận chuyển và đảm bảo bí mật thư tín qua lại giữa cựu hoàng ở VN và vợ con ở Pháp gửi qua hệ thống bưu chính Pháp nên mới được gọi là "đường dây bưu chính nghi thức" - tức công việc thuộc lãnh vực ngoại giao".
Tuy nhiên những gì xảy ra trong thực tế lại khác, không dưới một lần bà Nam Phương than phiền: "Bức thư Mình viết cho em đã bị người ta bóc ra để kiểm duyệt. Thật là ngán ngẩm cho những kẻ soi mói vào cả đường dây bưu chính nghi thức dành cho chúng ta" (thư ngày 19.5.1949). Dù vậy, khi trao đổi với chồng, bà vẫn không ngần ngại trình bày chính kiến về nhiều vấn đề liên quan đến Bảo Đại.
"Mình đang có nhiều trọng trách phải đảm nhiệm bằng lòng dũng cảm và sự sáng suốt. Em xin góp một phần nhỏ bằng sự hy sinh không ở bên cạnh Mình để Mình được rảnh rang mà hoàn thành sứ mệnh. Em tin tưởng như vậy và tin vào tương lai. Em tin chắc Thượng đế sẽ phù hộ độ trì cho đôi ta chung nhau sự hy sinh này. Nước nhà được hợp nhất thì đó là cuộc kết hôn cộng đồng đẹp đẽ cũng giống như cuộc hôn nhân vì tình yêu mà đôi ta đang thực hiện. Có thể so sánh ví von như vậy một chút Mình ạ. Trong một đất nước nói chung, cũng như trong một gia đình nói riêng thì sự đoàn kết phải được siết chặt và không ai được vị kỷ, có như vậy thì mới bền vững trước mọi thử thách và mưu toan phá hoại" (thư ngày 3.5.1949).
Lưu ý rằng, lá thư này viết vào năm 1949 là thời điểm người Pháp còn đóng vai trò nhất định trong vùng tạm chiếm với âm mưu xâm lược, chia cắt nước ta lần nữa.
Vậy câu "Nước nhà được hợp nhất" là bà hướng tới mong muốn bãi bỏ hẳn ràng buộc của Hòa ước Paternot (Hòa ước Giáp Thân 1884), trong đó quy định ranh giới ba miền Bắc, Trung, Nam - mà sau này Viện Sử học VN đánh giá: "Hiệp ước này mang ý nghĩa một bản khai tử đối với chủ quyền đối ngoại của vua nước Nam".
Vậy, thời điểm năm 1949, Bảo Đại đã làm được những gì? Sử sách đã ghi, nay không nhắc lại. Từ Pháp, Nam Phương hoàng hậu luôn quan tâm đến mọi hoạt động chính trị của chồng. Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý, theo chúng tôi, vẫn là từ những gì người chồng đã làm, đang làm bà đã nghĩ đến số phận của người nghèo hèn, bất hạnh với niềm cảm thông sâu sắc, không dễ gì có được ở người đàn bà "lá ngọc cành vàng" nếu thiếu lòng nhân.
"Em đọc báo thấy có đăng một người đàn bà ôm con đang quỳ khóc dưới chân Mình. Thật là một hình ảnh gây ấn tượng mạnh và rất xúc động. Liệu Mình có thể nhận đứa bé đó làm con nuôi không? Em đang nghĩ đến những đứa trẻ mồ côi cha. Người ta sẽ làm gì với tất cả những đứa trẻ này?" (thư ngày 20.7.1949).
Làm thế nào để cứu vớt cuộc đời của người bất hạnh nói chung? Đã có lần bà tỉ mỉ tính toán việc học đánh banh tennis của Bảo Đại đã "tốn kém như thế nào". Rồi bà viết tiếp: "Mình đừng nên tiêu phí phạm như vậy. Số tiền này có thể chi tiêu vào nhiều việc có ích hơn thế. Hơn nữa em đang muốn giúp đỡ các sinh viên của ta không được ở ký túc xá mà phải thuê nhà ở ngoài nên lại bị bọn chủ nhà trọ bóc lột tàn tệ…" (thư ngày 17.1.1953).
Tấm lòng của bà, Bảo Đại có thấu cảm? Ta không thể biết vì ở ngoài cuộc, nhưng qua tâm sự trong những lá thư gởi chồng, ta nhận thấy nỗi lòng của bà luôn đau đáu về người nghèo, về đất nước.
"Em đau khổ khi phải cứ bứt rứt khi nghĩ tới đồng bào ta sống trong cảnh bất an đang phải chịu đựng những tội ác gây ra từ nhiều phương diện khác nhau. Mình lại sắp nói rằng có thể em bị bệnh. Có thể đúng đó là sự thật và vì thế em muốn nín lặng hơn là than vãn vì sẽ làm trầm trọng thêm những lo lắng vốn đã nặng trĩu trong lòng. Vì vậy Mình đừng lấy làm ngạc nhiên khi thấy thỉnh thoảng em không viết cho Mình. Em muốn như một con thú rừng bị thương đang chui vào đáy hang để lặng lẽ đau đớn một mình" (thư ngày 20.9.1949).
Năm 1950, khi Hội Chữ thập đỏ Pháp muốn chia sẻ công việc với Hội Chữ thập đỏ VN tại Sài Gòn, hoàng hậu Nam Phương được mời làm hội viên danh dự. Nhưng khi tham gia vào hoạt động ấy rồi, lúc tâm tình qua thư với Bảo Đại, nguyện vọng của bà thì hội phải "thành tâm nhằm cải thiện tình hình y tế trong những vùng nông thôn, cũng như đối đãi với các tù nhân, không phân biệt chủng tộc và không tôn giáo" (thư viết ngày 19.4.1950). (còn tiếp)
Bình luận (0)